Ngân hàng gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội

Tài chính - Ngày đăng : 07:19, 08/11/2021

(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài trong những tháng qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế. Song, theo báo cáo mới nhất, nhiều ngân hàng vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng nêu cao trách nhiệm với xã hội, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trọng Thanh

Triển khai thêm dịch vụ để tăng lợi nhuận

Theo lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dù điều kiện không thực sự thuận lợi, hoạt động kinh doanh của BIDV vẫn duy trì ổn định, quy mô tăng trưởng khá so với đầu năm, chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này 9 tháng năm 2021 đạt 10.733 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 83% kế hoạch năm. Tổng tài sản hợp nhất của BIDV hiện đạt trên 1,686 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11,2% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tăng trưởng, tập trung dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, cho vay khách hàng đạt trên 1,328 triệu tỷ đồng, tăng 9,4%, tốc độ tăng tương đương cùng kỳ các năm từ 2019 trở về trước và tích cực hơn cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,39%, giảm 0,15% so với đầu năm. Thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục tối đa hóa nguồn thu theo hướng gia tăng những nguồn thu ngoài lãi, tăng cường các dịch vụ ngân hàng điện tử, kiểm soát chi phí...

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải (MSB) có tổng thu nhập hợp nhất đạt hơn 7.669 tỷ đồng, tăng hơn 59% so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 4.523 tỷ đồng, tăng hơn 37%. Thu từ hoạt động dịch vụ gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2020, đạt 2.448 tỷ đồng nhờ tăng trưởng từ hoạt động bán bảo hiểm (bancas). Tổng tài sản hợp nhất của MSB đạt hơn 195.500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm 2021. Nợ xấu chỉ ở mức 1,31%.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cho biết, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng từ đầu năm 2021 đến nay đạt hơn 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Việc cơ cấu các khoản vay nhằm hỗ trợ khách hàng đã tác động tạm thời đến kết quả kinh doanh của ngân hàng trong quý III-2021 nhưng phần lớn khách hàng có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ. Điều này tác động khả quan tới kết quả kinh doanh của ngân hàng trong quý IV-2021.

Còn với Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK), lợi nhuận trước thuế cũng đạt 1.556 tỷ đồng, hoàn thành 78,9% kế hoạch năm. Tổng Giám đốc ABBANK Lê Hải thông tin, kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn hơn nhiều so với điều kiện bình thường khi phải cân đối giữa hiệu quả kinh doanh với trách nhiệm chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng. Do vậy, ngân hàng đã điều chỉnh chính sách ngắn hạn hợp lý nhất.

Sẽ tiếp tục nỗ lực giảm chi phí

Lý giải kết quả khả quan trên của ngành Ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài trong nhiều tháng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trước khi dịch bệnh xảy ra, chất lượng nợ của hệ thống ngân hàng liên tục được cải thiện. Đồng thời, nhờ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khoản nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ và ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng toàn bộ. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số bắt đầu cho thu “quả ngọt”. Ở một số đơn vị, khoản thu từ dịch vụ lên tới 40% lợi nhuận. Chưa kể, ngân hàng giảm chi phí vốn đầu vào (tăng tiền gửi không kỳ hạn) nhờ xu hướng thanh toán không tiền mặt tăng cao trong đại dịch.

Dự báo về quý IV-2021, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, dòng tiền sẽ luân chuyển nhịp nhàng hơn. Nhu cầu vốn tăng trở lại cũng đòi hỏi các ngân hàng cần đánh giá hiệu quả phương án kinh doanh để cấp vốn kịp thời cho doanh nghiệp, bắt kịp cơ hội cho phục hồi sản xuất.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là dù các ngân hàng thương mại cũng kinh doanh như một doanh nghiệp nhưng lúc này, các ngân hàng nên đề cao trách nhiệm chia sẻ với doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, khi tình trạng dịch căng thẳng, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, người dân là căn cơ và thiết thực.

“Để có điều kiện giảm sâu hơn lãi suất cho doanh nghiệp, các ngân hàng phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi phí hoạt động và chia sẻ nguồn lợi nhuận. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, để có sự hỗ trợ thực chất”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Nhờ các giải pháp đồng bộ, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng các ngân hàng vẫn tăng trưởng khá, thậm chí còn khả quan hơn cùng kỳ năm 2020. Từ kết quả đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn.

Hà Linh