Lãi suất tiền gửi cao nhất là 7,1%/năm
Tài chính - Ngày đăng : 15:56, 08/11/2021
Theo đó, ACB áp dụng lãi suất tiền gửi cao nhất 7,1%/năm cho khoản tiền giá trị trên 30 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng; với khoản tiền gửi dưới 30 tỷ đồng, lãi suất cho kỳ hạn 13 tháng là 6,3%/năm, 12 tháng là 5,3%/năm, thấp hơn trước đó 0,2-0,3%/năm.
MSB vẫn duy trì lãi suất tiền gửi cao nhất là 7,0%/năm cho khoản tiết kiệm từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng. Dưới 200 tỷ đồng, lãi suất cao nhất 5,6%/năm.
Ngoài ra, LienVietPostBank áp dụng lãi suất cao nhất 6,99%/năm, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB): 6,9%/năm, HDBank: 6,85%/năm... Song, để có thể hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi 200-300 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn gửi 12-13 tháng.
Đối với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Việt Á (VietABank), lãi suất cao nhất áp dụng là 6,9%/năm; Sài Gòn (SCB): 6,8%/năm... áp dụng cho các kỳ hạn gửi từ 12 hoặc 15 tháng trở lên, không có điều kiện về giá trị tiền gửi.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại nhà nước như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công thương Việt Nam (VietinBank), Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) áp dụng lãi suất cao nhất 5,6%/năm (VietinBank) và 5,5%/năm với 3 ngân hàng còn lại. Đối với khoản tiền gửi thông thường, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng dao động 4,85-6,8%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay dao động từ 6-20%/năm tùy thuộc hình thức vay hoặc cách tính lãi suất. Thông thường, mức lãi suất cho vay tín chấp dao động từ 16-25%/năm, còn lãi suất cho vay có tài sản bảo đảm là 10-12%/năm.
Các chuyên gia dự báo, trong những tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang, không tăng như thời điểm này những năm trước.