Cảnh giác với nạn làm giả giấy tờ

Pháp luật - Ngày đăng : 06:09, 09/11/2021

(HNM) - Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện những hành vi làm giả giấy tờ, như: Bảng lương, hợp đồng lao động… Đặc biệt, Bộ Công an vừa cảnh báo hiện tượng làm giả sao kê tài khoản, cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản xuất hiện ngày một nhiều. Từ thực tế trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng khi cung cấp nhân thân, không nghe theo lời dụ dỗ để bị lừa hoặc tiếp tay cho vi phạm.

Người dân cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị lừa đảo, làm giả giấy tờ. Ảnh: Đỗ Tâm

Ngang nhiên vi phạm

Không khó tìm kiếm trên mạng xã hội (Facebook, Zalo...) các dịch vụ làm giả giấy tờ, như: Sao kê lương, bảng lương ngân hàng, hợp đồng lao động..., với chi phí 1-3 triệu đồng do nhiều chủ tài khoản đăng tải công khai. Tại các phần bình luận ở mỗi bài đăng, có hàng trăm câu hỏi về giá cả cụ thể và các hình thức làm giả giấy tờ.

Cụ thể, bài viết của tài khoản “Nhận làm sao kê lương - bảng lương - hợp đồng lao động” dù đăng tải từ năm 2017 nhưng trong ngày 4-11, vẫn có rất nhiều người ngỏ ý muốn làm sao kê ngân hàng. Và chủ tài khoản nói trên sẵn sàng cung cấp số điện thoại để phục vụ khách hàng. Hoặc tại tài khoản “Làm hợp đồng lao động - xác nhận lương - sao kê ngân hàng” mới đăng tải bài viết về tính năng sao kê ngân hàng như thật, bảo đảm an toàn cho cả hai bên, giao dịch hoàn tất sẽ gửi tận nơi an toàn.

Chị Nguyễn Hoài An, phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa) cho biết, chị và bạn bè thường xuyên nhận được tin nhắn mời làm sao kê ngân hàng, sao kê bảng lương, làm giấy tờ xe, hợp đồng lao động... Các đối tượng thường dùng sim "rác" để nhắn tin, nhiệt tình trả lời khi chị nhắn tin hỏi giá và sẵn sàng chuyển đến tận nhà sau khi khách chuyển khoản.

Tương tự, các hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu... cũng khá phổ biến. Cụ thể, ngày 24-10, Công an quận Nam Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Đông (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) để điều tra về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo kết quả điều tra, Đông lên mạng tìm kiếm dịch vụ làm dấu và đặt làm giả con dấu của Công ty TNHH T&Q, dấu chức danh chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc và một số giấy tờ liên quan.

Trước đó, tháng 6-2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử nhóm 6 bị cáo câu kết với nhau làm giả thông tin cá nhân để vay và chiếm đoạt số tiền 775 triệu đồng của 31 cá nhân mở tài khoản ngân hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm các bị cáo làm giả thông tin cá nhân, chiếm đoạt 775 triệu đồng của 31 cá nhân mở tài khoản tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng. Ảnh: Nguyễn Hưng

Cần nâng cao cảnh giác

Trung tá Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) - chuyên gia tội phạm học, nhận định, hành vi làm giả sao kê tài sản đặc biệt nguy hiểm, dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính được phê duyệt đầu tư có thể trúng thầu, triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, các đối tượng xấu cũng có thể sử dụng các tài liệu giả để nhằm mục đích thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân.

Để phòng tránh lừa đảo, Trung tá Đào Trung Hiếu kiến nghị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với thủ đoạn nêu trên. Các cơ quan hữu quan cần xem xét, thẩm định kỹ hồ sơ, tài liệu về năng lực tài chính của các doanh nghiệp, cá nhân. Trường hợp thấy nghi ngờ tài liệu giả, cần liên hệ với ngân hàng đã phát hành văn bản để thẩm định về tính hợp pháp của các loại tài liệu này.

Về khía cạnh pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cảnh báo, các cá nhân, tổ chức khi làm thủ tục sao kê tài khoản, xác nhận xin cấp hạn mức, cam kết tín dụng... cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng để đề nghị hỗ trợ làm thủ tục. Đặc biệt, không sử dụng các dịch vụ được mời chào trên các mạng xã hội, không thông qua các đối tượng trung gian không rõ lai lịch để làm các thủ tục nêu trên, tránh tạo điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Trần Quyết Thắng, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết, để phòng ngừa loại hình tội phạm này, Công an huyện khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác. Cụ thể, đối với người dùng mạng xã hội cần tránh đưa thông tin cá nhân, để đối tượng xấu không có cơ hội khai thác, thực hiện hành vi lừa đảo. Tại các khu dân cư, công an xã, thị trấn thường xuyên trao đổi thông tin với các bí thư, tổ trưởng tổ dân phố, kịp thời thông báo đến người dân nắm bắt thông tin, chủ động phòng tránh.

Pháp luật đã quy định rất rõ chế tài xử lý tội làm giả giấy tờ, tài liệu nhằm lừa đảo người khác, tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều đối tượng, đường dây làm giả giấy tờ, tài liệu đang hoạt động. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do sự tiếp tay của các cá nhân, tổ chức mua bán giấy tờ, tài liệu giả nhằm trục lợi. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, rất cần được sớm phát hiện và xử lý nghiêm.

Dung - Hiệp