Ngăn chặn tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Kinh tế - Ngày đăng : 16:23, 09/11/2021

(HNMO) - Thời gian qua, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến đến mức báo động, không chỉ với hàng hóa nói chung, mà với cả bí mật kinh doanh. Để ngăn chặn tình trạng này, cần thực hiện những giải pháp đồng bộ về đào tạo đội ngũ nhân lực, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, tăng cường hợp tác trong và ngoài nước...

Hiện nay, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện trên thị trường ngày càng đa dạng, cả hàng hóa có giá trị nhỏ đến giá trị lớn, từ sản phẩm đơn giản đến mặt hàng áp dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, gần đây, gia tăng hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với các mặt hàng phòng, chống dịch như khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế… Đáng chú ý, phân bón, xăng dầu cũng bị làm giả về nhãn hiệu, thương hiệu, giả về chất lượng, đo lường.

Về thực trạng này, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, số liệu thống kê từ Chương trình hợp tác phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Chương trình 168) cho thấy, năm 2020, các lực lượng chức năng đã xử phạt 1.300 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm diễn ra phổ biến như vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, nhái nhãn hiệu; vi phạm liên quan đến tên miền, quốc gia, tên thương mại, tên doanh nghiệp; xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích; đặc biệt lần đầu tiên có vụ xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh…

“Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua nền tảng số sẽ phổ biến trong giai đoạn tới đồng thời sẽ chuyển biến nhanh hơn trước, bằng những thủ đoạn tinh vi, khó lường và phức tạp”, bà Nguyễn Như Quỳnh nhận định.

Cùng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Trịnh Quang Đức chỉ rõ, hiện trạng này có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng về hình thức, chủng loại.

Trong khi đó, quá trình thực thi nhiệm vụ, các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý, bởi năng lực của lực lượng chức năng chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đơn vị thi hành công vụ chưa nhuần nhuyễn.

Chưa kể, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh không phối hợp với cơ quan chức năng để phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhiều người tiêu dùng dù biết hàng giả mạo nhãn hiệu nhưng vẫn mua, sử dụng, tạo ra cung - cầu hàng hóa giả mạo.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, để giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường là điều kiện tiên quyết.

Cũng đề cập tới vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Thân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, toàn lực lượng phải đổi mới tư duy hoạt động; áp dụng hệ thống quản lý rủi ro trong nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát để giải quyết gốc rễ hành vi vi phạm; xây dựng lực lượng chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại; hướng tới hình thành lực lượng chuyên sâu về quản lý thị trường kinh doanh công nghệ cao và lực lượng phản ứng nhanh.

Ở góc độ địa phương, ông Trịnh Quang Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đề xuất Tổng cục Quản lý thị trường nhanh chóng hoàn thiện phần mềm về quản lý xử lý vi phạm hành chính để áp dụng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, đồng thời tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực thực thi pháp luật của lực lượng chức năng.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tăng cường đào tạo chuyên sâu với lực lượng chức năng, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm nhận diện các mặt hàng bị làm giả cũng như giám định hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, cần chú trọng tuyên truyền về phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo sự đồng thuận trong xã hội trong tố giác hành vi vi phạm...

Lam Giang