Đánh giá, điều chỉnh lại quy định để kiểm soát tốt hơn dịch bệnh

Chính trị - Ngày đăng : 11:51, 09/11/2021

(HNMO) - Sáng 9-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2022-2024).

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Đẩy mạnh tiêm vắc xin, ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế hành chính thực sự thông thoáng và quy rõ trách nhiệm để không cần “nhờ vả”, “quen biết” mà việc vẫn "chạy". “Chúng tôi cần một sự phân cấp mạnh, hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống dịch bệnh như thế này”, đại biểu nói.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”, vì còn nhiều vấn đề vướng mắc, để Nghị định sớm đi vào cuộc sống.

Nêu một số hạn chế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: Dự báo tình hình, chỉ đạo phòng, chống dịch ở một số địa phương còn lúng túng; việc ban hành một số quy định, thủ tục hành chính ở một số địa phương không nhất quán; tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ở một số địa phương còn thấp…, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) kiến nghị Chính phủ xem xét đánh giá lại quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh, qua đó giảm số ca mắc, giảm số ca tử vong. Đại biểu cũng cho rằng chi phí xét nghiệm sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao là rất lớn, nếu không có giải pháp thu một phần hoặc toàn bộ phí xét nghiệm thì sẽ là gánh nặng cho các cơ sở khám chữa bệnh và ngân sách địa phương.

Đề cập những nhân tố quan trọng cần quan tâm để thích ứng với đại dịch, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) đề nghị tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm vắc xin, sớm phổ biến một số thuốc đặc trị đang được thử nghiệm và có đánh giá tốt, đồng thời, có giải pháp để từ năm 2022 có thể có vắc xin trong nước nhằm chủ động nguồn cung cho yêu cầu phòng, chống dịch.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) đề xuất tập trung rà soát các lỗ hổng trong việc bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao bị Covid-19 tấn công như người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai; bảo vệ cơ sở y tế, viện dưỡng lão để không trở thành ổ dịch; tiêm phủ mũi 1 vắc xin cho đại bộ phận dân số để tạo miễn dịch bước đầu, tiến tới tiêm đủ liều, vì hiện nhiều tỉnh còn có tỷ lệ tiêm thấp. Đại biểu cũng đề nghị khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, điều trị người mắc Covid-19 trên phạm vi toàn quốc...

“Cần chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế các tuyến quận, huyện, xã, phường… Rất cần các cơ chế rõ ràng về mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men và công việc này nên được tách rời khỏi chuyên môn y tế”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh trong đại dịch

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) kiến nghị thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền từ trung ương đến địa phương. Thực tế cho thấy việc giải ngân đầu tư công chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do khách quan tồn tại nhiều năm là công tác giải phóng mặt bằng.

“Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao chính quyền địa phương làm chủ đầu tư các dự án đi qua địa phương mình để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng gắn với cơ chế phân công, phân cấp trách nhiệm của người đứng đầu rõ ràng, minh bạch, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) kiến nghị lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng, thẩm định về phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. “Chính phủ cần tập trung nguồn lực để thực hiện một số chương trình, dự án trọng điểm, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường hệ thống hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu”, đại biểu nói.

Để tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) đề nghị Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng; phát triển đồng bộ hạ tầng, ưu tiên liên kết vùng. Đồng thời, một số chỉ tiêu về tăng trưởng, tỷ lệ hộ nghèo, việc làm cần được xem xét lại trong bối cảnh đất nước chịu tác động của Covid-19.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, dịch bệnh đã gây ra một số vấn đề xã hội cần được quan tâm, giải quyết. Trong đó, do tác động của Covid-19, nhiều người lao động mất việc làm. Chính phủ cần khẩn trương rà soát chính sách an sinh xã hội; các địa phương cần xây dựng phương án để đối phó hệ lụy người lao động di chuyển khỏi các thành phố, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, khắc phục đứt gãy nguồn cung lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, bên cạnh những đột phá trong việc dạy và học trực tuyến thì vẫn tồn tại những khó khăn bất cập. Đầu tiên là chất lượng việc dạy và học chưa được bảo đảm do rất nhiều yếu tố khách quan, như còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng thiết bị dạy và học, việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả...

Đại biểu cũng cho rằng việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài. Ngoài ra, học sinh tiếp xúc nhiều với môi trường internet để phục vụ học tập cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Quan tâm đến môi trường mạng xã hội, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cho rằng thực trạng thông tin xấu, độc trên không gian mạng là khởi nguồn của hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đặc biệt là giới trẻ. “Đề nghị cơ quan chức năng xây dựng, hoàn thiện hơn nữa biện pháp xử lý, nâng cao hiệu quả công tác quản lý không gian mạng”, đại biểu nói.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tiến Thành