Quyết liệt ngăn chặn ''tín dụng đen''

Pháp luật - Ngày đăng : 06:18, 10/11/2021

(HNM) - Thời gian qua, các đơn vị của Công an thành phố Hà Nội đã liên tục phát hiện và triệt phá nhiều ổ nhóm “tín dụng đen”. Điều đáng nói, do hám lợi nên loại tội phạm này không chỉ núp bóng tiệm cầm đồ, cho vay tài chính…, mà tìm cách biến tướng để hoạt động, đòi hỏi công tác ngăn chặn cần quyết liệt hơn nữa.

Công an quận Nam Từ Liêm làm việc với một đối tượng cho vay nặng lãi. Ảnh: Hiệp Dương

Nhiều thủ đoạn mới

Bộ Công an nhận định, ngoài hoạt động cho vay nặng lãi truyền thống, cho vay trực tuyến qua ứng dụng (app) là một trong những thủ đoạn mới xuất hiện trong hoạt động “tín dụng đen”. Theo đó, đối tượng tội phạm sử dụng các website, ứng dụng điện thoại di động để tiếp cận, quảng cáo cho vay tài chính đến người dân với thủ tục đơn giản như người vay tiền chỉ cần cung cấp ảnh, giấy tờ tùy thân và sổ hộ khẩu với số tài khoản ngân hàng.

Trung tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an) cảnh báo, số tiền vay có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của người vay. Các đối tượng quy định biến tướng về lãi suất bằng cách thu các khoản phí dịch vụ, nếu cộng cả tiền lãi và phí có thể lên tới 1.400%/năm. Khi người vay không có khả năng thanh toán, các đối tượng này sử dụng “xã hội đen” và mạng xã hội để dằn mặt, "khủng bố", gây sức ép với người thân…

Không chỉ vậy, biến tướng của tội phạm “tín dụng đen” ngày càng tinh vi khi mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khám phá 2 vụ án mà nạn nhân thường là phụ nữ phải thế chấp bằng hình ảnh “nóng” của mình. Trong đó, nạn nhân N.T.N. (quê tỉnh Nghệ An), khi cảnh sát bắt quả tang có hành vi bán dâm đã khai phải bán dâm để lấy tiền trả lãi vay "bốc bát họ", nếu không sẽ bị các đối tượng cho vay tung những hình ảnh “nóng” thế chấp cho gia đình và bạn bè.

Đại tá Nguyễn Thành Long (Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm) thông tin, 2 đường dây cho vay lãi nặng bằng thế chấp ảnh “nóng” vừa bị triệt phá có thủ đoạn tương tự nhau. Đường dây thứ nhất do vợ chồng Nguyễn Thị Vân Anh và Đào Quốc Huy (trú tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa) cầm đầu đã cho 989 người vay lãi nặng với số tiền hơn 5 tỷ đồng, lãi suất 146-730%/năm. Các đối tượng đã thu lãi cùng gốc của 779 người, hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng. Còn nhóm Bùi Ngọc Thủy (trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa) và Khương Thị Tuyến (trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) cầm đầu, đã cho khoảng 100 người vay với tổng số tiền khoảng 2 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 800 triệu đồng. Số người nợ tiền của những đường dây này không chỉ ở Hà Nội mà còn vươn tới nhiều tỉnh, thành phố khác.

“Đây là hình thức cho vay lãi suất cao có thủ đoạn tinh vi, tàn nhẫn, đó là yêu cầu nạn nhân cung cấp video clip, hình ảnh nhạy cảm để khống chế đến mức lệ thuộc và phải làm theo điều chúng yêu cầu. Từ hoạt động vay mượn, người vay vô tình rơi vào hoặc bắt buộc phải lún sâu hơn vào tệ nạn xã hội, trong khi món nợ vì lãi suất rất cao khó trả dứt điểm, tạo nên vòng xoáy nợ nần, tệ nạn kéo dài”, Đại tá Nguyễn Thành Long phân tích.

Người dân cần cảnh giác với hình thức cho vay trực tuyến qua ứng dụng để tránh rơi vào cạm bẫy của những ổ nhóm “tín dụng đen”. Ảnh: Đỗ Tâm

Đấu tranh không khoan nhượng

Theo Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội), trước diễn biến phức tạp của tội phạm “tín dụng đen”, Công an thành phố đã triển khai chuyên đề đấu tranh liên tục. Qua đó đã nhận diện và cảnh báo phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội để người dân biết, cảnh giác. “Thời gian tới cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ và lực lượng cảnh sát quản lý hành chính để đấu tranh hiệu quả hơn với loại tội phạm này”, Thượng tá Đặng Việt Quảng nói.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) Nghiêm Xuân Hùng cho biết, chính quyền phường đã phối hợp cùng cơ quan công an rà soát, đề xuất đưa ra khỏi diện kinh doanh các cơ sở liên quan đến dịch vụ đòi nợ thuê trên địa bàn. Sau này, trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ dễ dàng hỗ trợ xác minh, tra cứu, nhận diện đối tượng có hành vi liên quan đến “tín dụng đen” để cảnh báo nhân dân.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, để ngăn chặn “tín dụng đen”, cơ quan chức năng cần thường xuyên khuyến cáo đối với những người có nhu cầu cấp bách về tài chính cần nhận thức rõ hành vi và lường trước hậu quả có thể xảy ra để có cách lựa chọn, quyết định đúng đắn, tránh rơi vào cạm bẫy của đối tượng cho vay nặng lãi.

Để ngăn chặn triệt để "tín dụng đen", đặc biệt là những biến tướng của loại tội phạm này, ông Nguyễn Xuân Quang (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng, nhất là xây dựng trang web cảnh báo, đưa thông tin các app có hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” để người dân có thể kiểm tra, tra cứu… Khi người dân nắm rõ thông tin về phương thức, thủ đoạn thì đồng nghĩa đã tự trang bị được “kháng sinh” cho bản thân, gia đình để tránh xa và đấu tranh không khoan nhượng với "tín dụng đen".

Chu Dũng