Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn nhập viện phù hợp

Xã hội - Ngày đăng : 19:18, 11/11/2021

(HNMO) - Chiều 11-11, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp với Công ty Novartis tổ chức hội thảo trực tuyến "Tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp".

 Cán bộ của trạm y tế theo dõi, quản lý sức khỏe của bệnh nhân ngay tại nhà, giảm tải cho tuyến trên.

Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được đưa ra tại hội thảo, 20-40% nguồn lực chăm sóc sức khoẻ toàn cầu đang bị lãng phí. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự lãng phí này do nhập viện không hợp lý. Tỷ lệ nhập viện không phù hợp cũng được công bố tại nhiều quốc gia, như: Italia là 27%; Hà Lan là 20%; Hàn Quốc 24,2%, Trung Quốc 18,3%.

Còn tại Việt Nam, theo TS Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, hiện nước ta có 1.420 bệnh viện được phân theo 3 tuyến: Trung ương, tỉnh và huyện, tương ứng với 28,5 giường bệnh/vạn dân. Hệ thống bệnh viện là nơi tiêu tốn nguồn lực nhiều nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chi cho bệnh viện chiếm tới 80% tổng chi cho y tế, trong đó hơn 50% chi cho dịch vụ điều trị nội trú. Đặc biệt, tỷ lệ nhập viện tăng 17,6% trong 10 năm qua. So với các nước trong khu vực, số ngày điều trị trung bình ở nước ta cao hơn. Cụ thể, số ngày điều trị trung bình của bệnh nhân nội trú tại Việt Nam là 6,1 ngày, trong khi ở Thái Lan là 4 ngày và Philippines là 4,9 ngày.

"Khi chỉ định nhập viện không phù hợp sẽ làm tăng số lượt điều trị nội trú, kéo theo việc sử dụng quá mức nguồn lực chăm sóc sức khỏe dẫn đến lãng phí. Đến khi số lượng bệnh nhân tăng lên gây quá tải bệnh viện thì chất lượng điều trị bị ảnh hưởng và chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ leo thang, ảnh hưởng đến mục tiêu của hệ thống y tế", TS Nguyễn Khánh Phương cho biết. 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc nhập viện không cần thiết có thể tránh được bằng những biện pháp phòng bệnh và điều trị hiệu quả, kịp thời ngay từ tuyến y tế cơ sở. Việc tăng cường nhập viện hợp lý giúp hệ thống y tế hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời tăng sức chống chịu của hệ thống y tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Các đại biểu cũng đã thống nhất và đề xuất một số giải pháp cần thiết nhằm tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam, bao gồm: Nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí nhập viện phù hợp để làm công cụ quản lý hiệu quả; đẩy mạnh việc quản lý và chăm sóc sức khỏe toàn dân tại tuyến y tế cơ sở; hạn chế việc chuyển tuyến không hợp lý gây khó khăn trong quản lý dịch bệnh...

Phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho rằng, để tăng cường nhập viện hợp lý, cần triển khai đồng bộ các giải pháp vừa mang tính chuyên môn kỹ thuật, vừa mang tính hệ thống. Các giải pháp phải lấy người bệnh làm trung tâm, xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, trong đó, chú trọng củng cố, nâng cao hệ thống y tế cơ sở để giải quyết 80% nhu cầu khám chữa bệnh thông thường.

"Một trong những giải pháp cần tập trung là quản lý theo dõi bệnh không lây nhiễm đang gia tăng tại tuyến y tế cơ sở; xây dựng bộ tiêu chí rà soát, đánh giá tiêu chuẩn nhập viện thực hiện tại các bệnh viện hoặc áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp nhằm giảm thời gian nằm viện của người bệnh. Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm triển khai kiểm soát nhập viện hợp lý mà nhiều nước đã thực hiện hiệu quả để áp dụng cho phù hợp với điều kiện của nước ta", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Thu Trang