''Tôi thích theo dõi những đứt nối, nhiều khi buồn sướng âm ỉ một mình!''

Văn hóa - Ngày đăng : 11:28, 11/11/2021

(HNMO) - Nhà văn Trần Chiến đã định hình trong lòng bạn đọc một “Cậu ấm” (tiểu thuyết, Nhà Xuất bản Trẻ năm 2014) của những trang viết tinh tế, day dứt về đời sống, tâm hồn thị dân, về Hà Nội hôm qua và hôm nay. Nhưng mới đây, ông bước chân về nông thôn với truyện ngắn “Con chú con bác” - giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập do Báo Nông thôn ngày nay chủ trì tổ chức (trao giải sáng 11-11). Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Chiến về sự kết nối thị thành - thôn quê trong không gian sáng tạo của ông.

- Tác giả của “Cậu ấm” và những câu chuyện về Hà Nội thị dân một thời giờ đây lại giành giải một cuộc thi truyện ngắn về đề tài nông thôn. Hẳn là phải có sự liên hệ nào đó giữa hai không gian này trong trải nghiệm và trăn trở của ông?

- Trước nay tôi vẫn nghĩ mình thuộc thành phố thôi, chạm vào nông thôn là thua. Tôi gửi dự thi 4 truyện, thì 3 cái làm với tâm thế “hưởng ứng”. “Con chú con bác” là cái dốc vốn, hết gan ruột ra. Được dùng nhiều, giờ có giải nữa thì rất bất ngờ và thú vị.

Nhưng nghĩ kỹ ra, ai ở đất nước này chả có những liên hệ với nông thôn, ra khỏi biên giới vẫn thế. Sống thành thị nhưng bao “chân quê” đang bươn bả quanh mình, họ dễ dàng san sẻ lắm. Hồi bộ đội tôi biết một chút về nông thôn, vẫn nhớ hôm rét đi sớm, cụ chủ nhà cho khẩu trầu nhai người nóng sực. Đồng đội đến đâu cũng sục tìm người tỉnh người làng. Đám Hà Nội ít cái máu ấy. Đây có thể là trải nghiệm, quan sát đầu tiên chăng, để rồi sau này càng thấm sự khác nhau giữa cuộc sống cộng đồng ở nông thôn với không gian cá nhân của thị dân.

Được ai đấy nhận đồng hương tôi lúng túng lắm. Biết gì đâu. Nhưng không biết thì vẫn có một chốn nếu thiếu sẽ không có mình, và ràng buộc mình bằng những nếp ăn ở vừa dễ thương vừa khó theo lắm. 

- Cụ thể truyện ngắn này ra đời như thế nào, thưa nhà văn? Có nguyên mẫu sinh động nào gợi cảm hứng cho ông không?

- Truyện này tôi viết cho mình là chính, tâm thế dự thi rất mỏng nên “quăng” nhiều bức xúc vào. Bao nhiêu tình huống, chi tiết, ý tứ dồn nén, chỉ chú ý đến số chữ cho phép (1 vạn). Quê tôi thuần nông, chưa sốt đất nên giữ nhiều nếp cổ. Xã có mấy làng, nơi Phật giáo chỗ Công giáo, nổi tiếng nhất là đạo Mẫu, đền phủ chập cheng cả đêm. Chung quanh là không khí vừa bao dung vừa gia trưởng, tôi về được chiều lắm nhưng rất dễ dẫm vào nếp họ nếp làng, lắm lúc thấy mình giống đứa trẻ. Ông cụ trưởng họ là cháu tôi, luôn kể chuyện xưa, nghe mãi ngấm vào. Rồi những tích sự những nỗi ở quê khác, tự nhiên đang viết chúng nhẩy vào “ngồi” rất hợp lý.

- Các nhà sử học của Viện Sử học nhận định: Không chỉ có đô thị hóa nông thôn mà còn có nông thôn hóa thành thị. Sự tương tác hai chiều này là nguồn cơn cho những va đập của đời sống hiện đại?

- Tôi đã viết điều này vào tập tản văn “A đây rồi Hà Nội 7 Món”. Hai quá trình này song song tồn tại, chảy nghịch ngược nhau. Phố chợ nhếch nhác, công ty văn phòng mặc đồng phục đều nhan nhản mảnh làng. Có những kiểu người già trung nông non thị dân dù ra phố đã lâu, ngồi ghế cao hoặc có học hàm, học vị. Tâm lý đồng hương, chín bỏ làm mười, một người làm quan cả họ được nhờ nhìn thấy rất rõ: Phạm luật giao thông gọi điện nhờ xin, vặn loa hát ông ổng hàng xóm kêu thì bảo “khó tính”. Thị dân khác nông dân nhất ở sự độc lập, thế mà loa phường một thời cứ tuyên truyền lấy được. Nhìn một bộ trưởng chịu khó khắc phục những hậu quả do chủ trương của chính ông ấy gây ra có rất nhiều “cái” giống chuyện làng từ xưa. Những va đập này cũng là một đặc điểm lớn của đời sống hiện đại, nhà văn “nông dân” Lê Lựu đã kể rất hay. 

- Có rất nhiều vấn đề của đời sống nông thôn, trong đó “thời sự”, “hot” là sở hữu đất đai, việc làm, mâu thuẫn gia đình… Nhưng vì sao ông lại lựa chọn khắc họa cái gốc rễ - những biến đổi, giằng xé thiên về nội tâm; những dùng dằng văn hóa, lối sống giữa các thế hệ, giữa cái cũ, nếp mới…? 

- Đất đai, việc làm, phân hóa giàu nghèo, khoảng cách nông thôn với thành thị đều cần, nhưng nhà báo, luật sư, các lực lượng xã hội có lẽ làm giỏi hơn. Nhà văn không phải người tỉnh táo, họ thích nhìn vào tâm hồn. Trong ấy có tập tục, quá khứ, cảm giác, những gì có thể rất thiêng liêng lại có thể bị xem vô giá trị. Bạn tôi có con mua được nhà thì rất mừng nhưng bảo “người Việt Nam phải có bàn thờ tổ tiên trong nhà” thì nó không nghe.

Tôi thích theo dõi những đứt nối như thế, nhiều khi buồn hay sướng âm ỉ một mình. Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên xong về nhà xưa chả ai biết mình nữa là vô vàn liên hệ quá khứ - hiện tại - tương lai được ép lại.

- Ông vẫn giữ giọng điệu rủ rỉ, dí dỏm, hài hước. Vì nó phù hợp với câu chuyện hay vì “tạng” ông nó thế?

- Một câu hỏi hay! Đúng là mỗi người mỗi giọng, gọi rộng ra là “tạng”, nhưng câu chuyện mới quyết định. “Con chú con bác” định sử dụng hết số chữ cho phép nên mới rủ rỉ, chỗ rẽ ngang, chỗ quay về quá khứ hoặc hài hước được. Một kiểu truyện không cốt. Ba truyện kia cùng dự thi đúng là “ngắn” nên phải ép chữ, cần tình huống dẫn đến xung đột.

- Quá nhiều nỗi niềm, giằng níu… trong đời sống “tam nông” được dồn nén đậm đặc ở truyện ngắn này. Việc nhặt nhạnh, ghi chép, xử lý các chi tiết làm nổi bật những tính cách hẳn là không đơn giản?

- Tôi lại thấy mình làm cái này dễ. Nhưng không đơn giản kiểu nhìn thấy kể lại. Những cá tính, quan hệ dằng dịt, tôn ti cực kỳ rắc rối nhưng phải được tôn trọng, những tâm trạng, cả cái gọi là trạng thái “Đứt”, bị bỏ quên của làng quê đều nằm đâu đó trong tiềm thức, động đến là chúng ùa ra, có khi phải ngăn lại. Nhưng trước tiên mình phải hình dung câu chuyện sẽ “đi” thế nào, sau đó thì cảm giác dẫn dắt.  

- Biết đâu từ cái duyên với đề tài nông thôn này, sắp tới ông lại cho ra mắt một tiểu thuyết về đề tài “tam nông”? 

- Giờ thì chưa. Nếu viết thì tôi phải đứng vai người phố mà nhìn và kể thôi.

- Chân thành cảm ơn và mong đợi những tác phẩm mới của ông!

Hà An