"Chìa khóa" của nông nghiệp hiện đại
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 12/11/2021
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Chính phủ và các địa phương, trong đó có Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Số lượng mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản tăng nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia. Nhiều chuỗi liên kết được tổ chức khép kín từ giống, vật tư đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường nội địa và xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế. Qua đó nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho các bên tham gia, tạo hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp nước nhà.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều “rào cản” khiến việc xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa được như mong muốn. Hà Nội và nhiều địa phương chưa xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; chưa phát huy được các hình thức liên kết phù hợp với mỗi ngành hàng; việc xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ liên kết còn nhiều bất cập; hình thức liên kết còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc pháp lý dẫn đến tình trạng “lật kèo”, mất niềm tin giữa các bên tham gia chuỗi liên kết…
Để thúc đẩy hình thành, phát triển các chuỗi liên kết nông sản, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, “dẫn đường” cho liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Hà Nội và các địa phương cần tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất hiện đại. Tinh thần là Nhà nước và nhân dân cùng làm nhưng các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp phải thể hiện rõ vai trò “nhạc trưởng” từ việc quy hoạch, thiết kế, huy động nguồn vốn đến tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành.
Cùng với đó là chủ động xây dựng, tổ chức hình thức liên kết phù hợp với mỗi ngành hàng cũng như thế mạnh của từng địa phương; đồng thời sắp xếp lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Trong đó chú trọng xây dựng mô hình quản lý cộng đồng (hợp tác xã, hiệp hội…) và đầu tư hệ thống chế biến, tiêu thụ sản phẩm hiện đại, phù hợp với vùng nguyên liệu.
Mặt khác, cùng với việc tạo cơ chế thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, làm “đầu kéo” cho các chuỗi liên kết, Hà Nội và các địa phương cần xây dựng, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ nông dân, các cơ sở chế biến tham gia liên kết. Trong đó chú trọng nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ, năng lực quản lý, tiếp cận và xử lý thông tin thị trường và đặc biệt là hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng tham gia hoạt động liên kết…
Một vấn đề không thể không nhắc tới là cần phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo niềm tin, bảo đảm lợi ích lâu dài giữa các bên tham gia chuỗi giá trị.
Triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp nêu trên chắc chắn sẽ tạo được động lực mới để liên kết chuỗi thật sự là "chìa khóa" mở ra hướng phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao.