“Mỏ vàng” thu hút khách du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 06:17, 12/11/2021

(HNM) - Với nhiều nguồn suối khoáng tự nhiên, cùng hệ sinh thái phong phú trên khắp cả nước, du lịch chăm sóc sức khỏe đang được coi là “mỏ vàng” của ngành Du lịch Việt Nam để thu hút du khách trong và ngoài nước. Loại hình này cũng được đánh giá là một trong những sản phẩm chủ đạo để phục hồi thị trường du lịch, phù hợp với điều kiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Du khách trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Khu nghỉ dưỡng Medi Thiên Sơn (huyện Ba Vì).

Tiềm năng lớn

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, với tài nguyên thiên nhiên biển đảo, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, cùng khoảng 400 nguồn nước nóng phân bổ khắp cả nước và nền y học cổ truyền phát triển từ nhiều đời nay..., Việt Nam có điều kiện để xây dựng những dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe kết hợp nghỉ dưỡng có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Trương Sỹ Vinh nhận định, hình thức du lịch này rất phù hợp cho du khách trải nghiệm, nghỉ dưỡng theo kiểu khép kín, biệt lập nên hứa hẹn sẽ là xu hướng được lựa chọn nhiều trong thời gian tới.

Trên thực tế, nhiều năm trở lại đây, du lịch chăm sóc sức khỏe được các địa phương chú trọng, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư và phát triển được những dòng sản phẩm du lịch cao cấp. Trên bản đồ du lịch Việt Nam đã hình thành nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe uy tín, khai thác được lợi thế về nguồn suối nước nóng, bùn khoáng thiên nhiên. Điển hình là khu du lịch Serena resort Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), Wyndham Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), Mỹ Lâm (tỉnh Tuyên Quang), Yoko Onsen Quang Hanh (tỉnh Quảng Ninh), núi Thần Tài (thành phố Đà Nẵng), Bình Châu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)... Bên cạnh đó, không ít địa phương xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với loại hình chăm sóc sức khỏe, như: Khu du lịch Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), khu du lịch bản Lướt (tỉnh Sơn La)...

Tại Hà Nội, du lịch chăm sóc sức khỏe cũng được quan tâm trong nhiều năm trở lại đây. Một số khu nghỉ dưỡng ở ngoại thành Hà Nội đã khai thác được dòng sản phẩm này, dựa vào lợi thế nguồn suối khoáng tự nhiên và đặc sản lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao, trong đó tập trung nhiều ở huyện Ba Vì, như: Tản Đà resort, Khoang Xanh - Suối Tiên, Medi Thiên Sơn (Thiên Sơn - Suối Ngà), Paragon resort… Giám đốc khu nghỉ dưỡng Medi Thiên Sơn Đỗ Quốc Thái cho biết, nhận thấy du lịch chăm sóc sức khỏe có thể mang đến sức hấp dẫn mới cho du khách, năm 2020, đơn vị đã cho ra mắt thương hiệu “Du lịch chữa lành Medi”, với sản phẩm chủ đạo là dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp bấm huyệt, chữa bệnh, tập thể thao…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, du lịch chăm sóc sức khỏe kết hợp nghỉ dưỡng sẽ là một trong những sản phẩm trọng tâm của địa phương, tạo sự khác biệt để thu hút du khách trải nghiệm, lưu trú lâu hơn.

Cần được định hướng đầu tư

Khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Yoko Onsen Quang Hanh (tỉnh Quảng Ninh) với dịch vụ tắm khoáng theo phong cách Nhật Bản đang hấp dẫn nhiều du khách trải nghiệm.

Mặc dù nhiều địa phương đang khai thác, đầu tư loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, song theo các nhà quản lý du lịch và đơn vị lữ hành, hình thức du lịch này vẫn chưa thật sự trở thành sản phẩm nổi bật, rõ tính thương hiệu để tạo ưu thế nổi trội hơn so với các nước khác trong khu vực.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Nam, một trong những nguyên nhân khiến du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam chưa hấp dẫn du khách trải nghiệm là do nhiều nơi cơ sở vật chất, hạ tầng kém chất lượng cũng như chưa có sự chuẩn hóa về quy trình y tế, chăm sóc sức khỏe. Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, nhân sự làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, khiến cho du khách còn e dè khi trải nghiệm.

Bàn về giải pháp để có thể khai thác tối đa tiềm năng của du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho rằng, cần có sự định hướng, quy hoạch phát triển loại hình du lịch này phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng địa phương, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, dẫn đến thiếu kiểm soát về chất lượng. Còn Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Trần Hữu Thùy Giang cho hay, cần tăng cường khâu truyền thông, quảng bá để thu hút du khách.

Ở góc độ lữ hành, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng chia sẻ, du lịch chăm sóc sức khỏe có nhiều hình thức khác nhau, như: Du lịch nghỉ dưỡng, làm đẹp, chữa bệnh…, vì thế các địa phương cần có những tiêu chí rõ ràng về chất lượng dịch vụ cho từng loại hình.

Tại Hà Nội, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang được chú trọng khai thác. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, theo kế hoạch, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư cho loại hình du lịch này ở một số địa phương có tiềm năng để làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của Thủ đô. Sở đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch có hoạt động du lịch chăm sóc sức khỏe phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch để sẵn sàng đón và phục vụ du khách trong tình hình mới.

Hoàng Lân