Nỗ lực bình ổn giá hàng hóa
Kinh tế - Ngày đăng : 14:39, 12/11/2021
Anh Nguyễn Văn Thìn, chủ một tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên cho biết, hơn 1 tháng nay, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được thông báo tăng giá. Trong đó, mặt hàng dầu ăn tăng nhiều hơn cả, ở mức từ 5 đến 7% so với tháng trước.
Cụ thể, dầu ăn loại 1 lít bán tại cửa hàng anh Thìn tăng trung bình 5.000 đồng/chai, trong đó, giá dầu ăn Neptune 1 lít là 52.000 đồng, dầu ăn Simply 1 lít 55.000 đồng, dầu ăn Tường An 1 lít 46.000 đồng. Tương tự, dầu ăn loại 5 lít có mức giá từ 245.000 đến 265.000 đồng/can tùy hãng. Ngoài ra, đường có giá 22.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng; mì gói tăng khoảng 500 đồng/gói tùy loại.
Theo một hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng, gần đây, nhiều nhà sản xuất, cung ứng gửi đề nghị tăng giá bán, trong đó, tập trung vào nhóm ngành hàng thực phẩm, công nghệ, hàng tươi sống. Tuy nhiên, đại diện một số siêu thị, nhà phân phối cho biết đang nỗ lực kìm giá bán ra.
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc vận hành VinMart miền Bắc (đơn vị quản lý và vận hành hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích VinMart/VinMart+) cho biết: “Hệ thống VinMart/VinMart+ vẫn đang cố gắng giữ giá bình ổn, không tăng giá sản phẩm để chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng trong thời điểm sau dịch. Chúng tôi đã đàm phán cùng các nhà cung cấp để giữ giá cả ổn định”.
Giá xăng tăng cũng là lý do khiến các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa buộc phải lên giá hàng hóa. Trước mắt, nhiều doanh nghiệp sẽ nỗ lực giữ giá bởi chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đều đã được doanh nghiệp ký hợp đồng trước. Tuy nhiên, thời gian tới, việc phải điều chỉnh giá là khó tránh khỏi, nhất là khi giá xăng vẫn tiếp tục đà tăng mạnh.
Theo các chuyên gia, giá xăng, dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá dầu thế giới là điều đáng quan ngại. Bởi nhiên liệu là đầu vào của hầu hết lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ trọng lớn trong giá cước vận tải, do vậy, tất yếu tạo áp lực tăng giá đến nhiều hàng hóa, dịch vụ.
Mặc dù, CPI tháng 10-2021 giảm so với tháng 9-2021, nhưng đáng lưu ý là các chỉ số giá về sản xuất; nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giá xuất khẩu, nhập khẩu trong 10 tháng qua đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin mới đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất với 2,51%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,13% do nhóm vải các loại tăng 0,48%…
Theo thông lệ, thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thường có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lên cung - cầu thị trường. Song năm nay, với việc giá xăng dầu liên tục tăng đã tạo áp lực lớn lên sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đang chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ, chuẩn bị hàng hóa theo kế hoạch bình ổn thị trường và kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, với 11 mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng có nhu cầu cao; đồng thời, triển khai các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, các chương trình kích cầu đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Sở Tài chính tăng cường kiểm tra các quy định về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến… theo quy định của pháp luật.