Giải pháp cấp bách và lâu dài
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 13/11/2021
Đơn cử, để bảo đảm điện mùa khô năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải triển khai kế hoạch điều tiết tích nước các hồ thủy điện ở mức tối đa, đồng thời các tổ máy nhiệt điện than, nhiệt điện chạy dầu cũng được vận hành để cấp bù sản lượng điện thiếu hụt. Tuy nhiên, nỗ lực này mới mang tính tình thế, khó giải quyết căn cơ tình trạng thiếu hụt nguồn từ thủy điện, bởi muốn vận hành nhiệt điện cũng phải bảo đảm đủ nguồn than, khí, nên chỉ một sự cố xảy ra sẽ ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện quốc gia. Chưa kể, việc huy động nhiệt điện chạy dầu càng lớn (giá thành khoảng 5.000-6.000 đồng/kWh), gánh nặng chi phí sẽ càng cao.
Theo dự báo, cuối năm 2021, đầu năm 2022, nguy cơ thiếu nước phát điện tiếp tục hiện hữu. Hiện nay, tổng lượng nước hồ chứa khu vực miền Bắc thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường của cả hệ thống hồ chứa khoảng 5,093 tỷ mét khối. Trong khi đó, nguồn nước trên các sông, suối đều thấp hơn trung bình nhiều năm. Nguyên nhân là do lượng mưa ít nên trên lưu vực các sông lớn hầu như không xuất hiện lũ lớn. Việc điều tiết hồ chứa trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nước là việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, chứ không chỉ riêng EVN.
Nhằm khắc phục nguy cơ thiếu nước phát điện trong mùa khô, các bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT đều chủ động chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai phương án tích nước và sử dụng nước hồ chứa. Để bảo đảm cung ứng đủ điện, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, EVN cần sớm có dự báo nguồn điện thiếu hụt, dự báo phụ tải thời gian tới, chuẩn bị phương án huy động nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện dầu và các nguồn khác, thực hiện điều tiết hệ thống nhằm bù đắp cho thủy điện. Cùng với đó, EVN và các đơn vị, địa phương liên quan sớm thống nhất lịch xả nước, khối lượng nước phù hợp với tình hình thực tế để vừa bảo đảm kế hoạch phát điện, vừa bảo đảm kế hoạch sản xuất nông nghiệp.
Trước nguy cơ thiếu điện, sử dụng điện tiết kiệm vẫn là giải pháp quan trọng. Đơn giản, người tiêu dùng tắt thiết bị điện không cần thiết; hạn chế sử dụng thiết bị tiêu tốn điện năng vào khung giờ cao điểm… Thậm chí việc phải hạn chế, cắt giảm phụ tải theo từng thời điểm thiếu điện cũng cần được tính toán hợp lý và phải thông báo sớm để khách hàng chủ động, tránh gây xáo trộn ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Về lâu dài và cũng là để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu nguồn thủy điện nói riêng, thiếu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt nói chung, các dự án nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch cần phải đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần xem xét đa dạng nguồn điện, trong đó đặc biệt lưu ý nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời… Đây là nguồn năng lượng sạch, ít ảnh hưởng môi trường, thâm dụng tài nguyên và ít bị phụ thuộc vào điều kiện của biến đổi khí hậu. Có thêm nguồn điện mới, đa dạng, ngành Điện có thể chủ động hơn trong điều tiết, đáp ứng yêu cầu phụ tải khi thủy điện giảm phát, khắc phục tình trạng thiếu nước ở các hồ thủy điện…
Triển khai đồng bộ các giải pháp, cả cấp bách và lâu dài, mới có thể giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước phát điện trong mùa khô hằng năm.