Liên hoan phim - thương hiệu phát triển công nghiệp văn hóa
Giải trí - Ngày đăng : 05:00, 13/11/2021
Thương hiệu LHP Việt Nam
Những khó khăn do dịch Covid-19 đã khiến LHP Việt Nam lần thứ XXII diễn ra chậm hơn dự kiến (từ ngày 18 đến 20-11 tại Huế) và thực hiện theo hình thức trực tuyến. Việc cố gắng tổ chức cho thấy vai trò quan trọng của LHP đối với nền công nghiệp điện ảnh.
Theo ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, điện ảnh cách mạng Việt Nam thành lập ngày 15-3-1953, nhưng phải sau 17 năm, tháng 8 năm 1970, LHP Việt Nam lần đầu tiên mới được tổ chức tại Hà Nội. Cho đến nay, LHP Việt Nam đã tổ chức được 22 kỳ tại nhiều địa phương trên cả nước. Đã có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam và các nghệ sĩ điện ảnh được tôn vinh và giành được giải thưởng cao trong các kỳ LHP. LHP Việt Nam đã thực sự thu hút được sự quan tâm và giành được tình cảm yêu mến, mong đợi của khán giả và những người làm công tác điện ảnh.
Ông Đỗ Duy Anh nhận định: "Các kỳ LHP Việt Nam được tổ chức thành công không những khuyến khích, vinh danh các tác phẩm và nghệ sĩ điện ảnh, mà còn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ và người làm công tác điện ảnh có cơ hội tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu và vận dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim, từ đó nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật của phim Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng và yêu cầu hội nhập quốc tế về điện ảnh. Bên cạnh đó, việc tổ chức thành công các kỳ LHP Việt Nam đã góp phần quan trọng trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa và tiềm năng du lịch của Việt Nam, đồng thời nâng cao vị thế, thương hiệu của điện ảnh Việt Nam. Có thể nói, LHP Việt Nam đã tạo cho mình một hình ảnh, một thương hiệu sâu đậm trong tiềm thức, tình cảm của đông đảo nghệ sĩ, những người làm công tác điện ảnh và của khán giả trên khắp mọi miền đất nước".
Theo đánh giá của Cục Điện ảnh: 10 năm trở lại đây, mỗi kỳ LHP Việt Nam đều đón trên dưới 1.000 đại biểu tham dự. Số lượng khán giả xem phim cũng tăng theo số lượng, chất lượng các buổi chiếu phim và số rạp tham gia chiếu giới thiệu phim trong LHP. Số khán giả trực tiếp xem phim và giao lưu với nghệ sĩ điện ảnh đạt từ 3.000 đến hơn 12.000 lượt người. Có từ 8.000 đến 15.000 lượt khán giả đến tham dự tuần phim chào mừng LHP. LHP có vai trò rất lớn trong phát triển nền điện ảnh, đóng vai trò xúc tác cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quảng bá hình ảnh quốc gia, dân tộc. Với truyền thống và những đóng góp đặc biệt của LHP Việt Nam, cũng như để phù hợp xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới, năm 2020, Cục Điện ảnh đã xây dựng Đề án phát triển Thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam.
LHP với điện ảnh đương đại
LHP được xem là thương hiệu tiêu biểu của một nền điện ảnh, đó là nơi ghi nhận và tôn vinh những thành tích, nơi người làm nghề nhìn lại và sẻ chia những cơ hội, nơi khán giả được giao lưu gặp gỡ với nghệ sĩ mà mình yêu thích, nơi tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ điện ảnh... Đặc biệt, các LHP còn tạo cơ hội cho sự sáng tạo, thể hiện tính đa dạng của nền điện ảnh. Đây là nơi không chỉ các phim lớn, vốn được một bộ máy truyền thông chuyên nghiệp hậu thuẫn, mà các phim nhỏ của những nhà làm phim độc lập cũng có cơ hội được biết đến và tỏa sáng. Tầm vóc LHP quyết định tầm quan trọng, uy tín của giải thưởng. Khán giả, nhà phát hành, nhà nghiên cứu nhìn vào giải thưởng, tên liên hoan để đánh giá, đưa ra những lựa chọn cho mình.
Ở Việt Nam hiện nay, ngoài LHP Việt Nam đã tổ chức tới 22 kỳ, LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF) cũng là một sân chơi được đánh giá cao, được tập trung xây dựng như một thương hiệu mạnh của điện ảnh nước nhà cũng như của công nghiệp văn hóa Thủ đô. LHP quốc tế Hà Nội được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần tại Hà Nội kể từ năm 2010, là sự kiện uy tín nhằm vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc của điện ảnh trên thế giới, từ đó tạo ra sân chơi tầm cỡ, góp phần mang đến cơ hội phát triển điện ảnh nước nhà và lan tỏa văn hóa Việt đến bạn bè thế giới.
Đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng cho rằng: “LHP là một thương hiệu rất quan trọng cho ngành Điện ảnh của mỗi quốc gia. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu LHP Việt Nam uy tín không chỉ ở Việt Nam mà có tính khu vực là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trong thời buổi “nền kinh tế hình ảnh” được chú trọng, điện ảnh ngoài việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, quốc gia còn mang lại lợi nhuận rất lớn. Nếu chúng ta làm tốt thì điện ảnh có thể hái ra tiền”.
Có khá nhiều ví dụ cho thấy các LHP được tổ chức thành công đã trở thành những thương hiệu ở tầm quốc gia của một số nước. Chẳng hạn như LHP Cannes, một trong những LHP uy tín nhất thế giới, đã mang đến cơ hội phát triển cho không chỉ điện ảnh mà cả du lịch và kinh tế Pháp. LHP Toronto là một ví dụ hoàn hảo về việc quảng bá một sự kiện thành công thu hút được khán giả ngay từ những giai đoạn đầu tiên. LHP SXSW (South By Southwest Film Festival) là một trong những LHP được nói đến nhiều nhất ở Austin, Mỹ... LHP Sundance là một LHP nổi tiếng dành cho những nhà làm phim độc lập. LHP Tribeca cũng là một trong những LHP lớn trên thế giới, đã đạt được thành công rực rỡ trong việc duy trì sự hiện diện của họ trên mạng xã hội...
Tăng cường ứng dụng công nghệ vào quảng bá LHP
Năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI đã buộc phải tạm hoãn. Năm nay, LHP Việt Nam lần thứ XXII có sự chuyển đổi dần sang hình thức trực tuyến. Đây cũng là xu hướng chung của hầu hết các LHP trên thế giới trong 2 năm qua, thay đổi cách thức để dễ dàng tiếp cận hơn tới đông đảo công chúng trong mọi hoàn cảnh.
Trong Báo cáo thực trạng LHP Việt Nam cuối năm 2020, Cục Điện ảnh đánh giá: “Giống như việc quảng bá thương hiệu nói chung, việc quảng bá thương hiệu LHP sẽ trở nên hiệu quả, phổ biến và thiết thực hơn khi áp dụng công nghệ số. Hiện nay, thế giới đã bước vào kỷ nguyên phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh các xu hướng công nghệ như đường truyền tốc độ cao, thực tế ảo, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo... đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực giải trí và truyền thông. Điện ảnh là một ngành đã ứng dụng những công nghệ mới về kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo trong cả ba lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Việc chiếu phim trên mạng đã trở thành quen thuộc đối với mỗi cá nhân và gia đình. Đặc biệt, đối đầu với đại dịch Covid-19, khi các rạp chiếu phim tạm thời ngừng hoạt động, thị phần phổ biến phim thông qua các nhà phát hành phim trên các nền tảng ứng dụng trực tuyến như Netflix, Amazone, Disney... có bước phát triển nhảy vọt. Lượng người đăng ký các nền tảng trực tuyến như Netflix tăng lên mức kỷ lục do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Sự tăng vọt này góp phần đẩy nền tảng mạng cùng các dịch vụ kỹ thuật số khác phát huy vai trò”.
Từ thành công của nhiều LHP trên thế giới, Thạc sĩ Hoàng Thu Thủy (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhận định: “Đối với những LHP lớn mà lượng khán giả lên tới 100.000 người thì mạng xã hội trở thành một thành phần thiết yếu trong việc quảng bá cho các sự kiện, là cầu nối để người xem tham gia trước, trong và sau khi LHP diễn ra”.
Bằng việc xây dựng các thương hiệu LHP uy tín, nhiều nền điện ảnh đã nâng tầm vị thế của mình trên trường quốc tế. Điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng kinh nghiệm thành công để tạo dựng những thương hiệu LHP tầm cỡ, tạo sức bật mới cho ngành Điện ảnh.