Hà Nội luôn chống dịch chủ động, không chủ quan
Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 13/11/2021
Tình hình dịch phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 11-10 đến 12-11, thành phố ghi nhận 1.596 ca mắc (trung bình 53,2 ca/ngày), trong đó có 553 ca tại cộng đồng (chiếm tỷ lệ 34,6%), 795 ca tại khu cách ly (chiếm tỷ lệ 49,7%), 227 ca tại khu phong tỏa (chiếm 14,2%), 21 ca nhập cảnh (chiếm 1,5%). Đặc biệt, từ ngày 28-10 đến 12-11, số ca mắc tăng cao, trung bình từ 30 đến 50 ca/ngày lên đến 100-160 ca/ngày. Thậm chí, ngày 9-11, thành phố phát hiện 222 ca bệnh, trong đó 105 ca ngoài cộng đồng.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, số ca mắc gia tăng và liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người. Thành phố đã xuất hiện nhiều ổ dịch mới, nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây, không triệu chứng… Hiện, Hà Nội đang có 14 ổ dịch, chùm ca bệnh phức tạp và vẫn tiếp tục ghi nhận F0. Nguyên nhân là do sự đi lại, giao lưu của người dân sau khi được nới lỏng, sự chủ quan của một bộ phận người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin...
Cùng với đó, thành phố đã ghi nhận hơn 100 ca dương tính là người trở về từ vùng dịch, trong đó có gần 100 ca lây nhiễm thứ phát. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, thời gian qua, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều, nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát. Đây cũng là một trong những lý do khiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố về cơ bản được kiểm soát, nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới.
Nguy cơ đến đâu, khoanh vùng đến đấy
Đề cập đến các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, thành phố tiếp tục bám sát theo chỉ đạo chung của Chính phủ để triển khai chủ động, quyết liệt. Tương ứng với từng khu vực, thành phố sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch. Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, phương châm của thành phố là F1 ở quận, huyện, thị xã nào, thì cách ly tập trung trên địa bàn của quận, huyện, thị xã đó. Thành phố cũng đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn. Thời gian tới, các trạm y tế này sẽ là “cánh tay nối dài” của các bệnh viện để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin, thành phố sẽ tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như các biện pháp cách ly, để bảo đảm vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Các quận, huyện, thị xã cần chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực điều tra dịch tễ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn, không để bị động. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị; nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, như: Nhân lực, thuốc, tập huấn công tác hồi sức cấp cứu phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Cùng với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của chính quyền các cấp, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, việc thành phố mở cửa để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phải đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh là điều đã được dự báo. Người dân không được dựa vào việc đã tiêm vắc xin mà chủ quan trong sinh hoạt. Mỗi người cần có ý thức thực hiện “tiêm vắc xin + 5K” để bảo đảm chung sống an toàn với dịch.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, hiện số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn chứa được 60.000-70.000 ca F1. Bên cạnh đó, Thủ đô có đặc thù đất chật người đông, không bảo đảm an toàn khi cách ly tại nhà. Do đó, chỉ khi nào số lượng F0, F1 tăng vượt quá khả năng, thành phố mới tính đến phương án cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.