Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:49, 13/11/2021
Kỳ bầu cử ILC năm nay được đánh giá có tính cạnh tranh cao ở các khu vực, như Đông Âu (7 ứng cử viên cho 3 vị trí), Tây Âu và châu Á - Thái Bình Dương (11 ứng cử viên cho 8 vị trí). Ngoài Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn có các ứng viên từ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Thái Lan...
Vượt qua các ứng cử viên mạnh khác trong khu vực, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vào ILC với số phiếu 145/193, đứng thứ 4 trong khu vực, chỉ sau ứng cử viên từ Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản.
Điều này đã phản ánh sự tin tưởng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và với Việt Nam nói chung, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức mới nảy sinh như biến đổi khí hậu, đại dịch, các vấn đề an ninh mạng..., yêu cầu có sự nghiên cứu và xây dựng, định hình các quy định pháp lý một cách kịp thời, sâu sát từ diễn đàn pháp lý quốc tế lớn nhất hiện nay.
ILC là cơ quan chuyên môn độc lập của Liên hợp quốc (LHQ), có chức năng nghiên cứu các vấn đề pháp điển hóa, phát triển luật pháp quốc tế và báo cáo lên Ủy ban Pháp lý của Đại hội đồng LHQ. ILC có 34 thành viên và cứ mỗi 5 năm sẽ được các nước thành viên LHQ bầu chọn lại thông qua bỏ phiếu kín.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là nhà ngoại giao và chuyên gia pháp lý kỳ cựu của Việt Nam. Ông từng tham gia các đoàn đàm phán quan trọng về vấn đề biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia; từng giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia. Ông từng được bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Kuwait và Malaysia, trước khi trở thành thành viên ILC lần đầu tiên năm 2016.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2022), Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tham gia chủ động, tích cực vào công việc nghiên cứu và thảo luận của Ủy ban, đóng góp thiết thực vào việc nghiên cứu các chủ đề pháp lý quan trọng như: Bảo vệ bầu khí quyển, bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, và một số chủ đề pháp lý truyền thống khác, thể hiện tiếng nói có trách nhiệm của chuyên gia pháp lý từ đất nước đang phát triển, có sự quan tâm sát sao tới các vấn đề pháp lý phi truyền thống đang nổi lên.
Trong nhiệm kỳ tiếp theo (2023-2027), Đại sứ Nguyễn Hồng Thao sẽ tiếp tục tham gia sâu hơn nữa vào quá trình nghiên cứu, thảo luận các chủ đề tại Ủy ban; thúc đẩy các chủ đề gắn bó mật thiết với lợi ích các nước đang phát triển với mong muốn các nghiên cứu của Ủy ban ngày càng sâu sát với những thách thức pháp lý mới nổi, phù hợp hơn nữa với nguyện vọng của các quốc gia.