Nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 14/11/2021
Nhận thức tầm quan trọng của sách với đời sống, thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực để xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu nhi.
Đặc biệt, thích ứng với kỷ nguyên số, nhiều thư viện, đơn vị xuất bản đã chủ động xây dựng website đọc sách trực tuyến; ứng dụng công nghệ để xây dựng và phát triển sách số, sách nói, tài liệu điện tử; đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ trực tuyến, sáng tạo những không gian phục vụ chất lượng, hiện đại đáp ứng nhu cầu đọc sách của thanh thiếu nhi. Những chuyển biến tích cực này của các đơn vị đã góp phần không nhỏ duy trì, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi khi dịch Cocid-19 diễn biến phức tạp.
Với sự bùng nổ của công nghệ, hiện văn hóa đọc của thanh thiếu nhi đang chịu những tác động mạnh mẽ. Thay vì đọc sách, các em dành nhiều thời gian hơn để xem phim, chơi trò chơi điện tử... Do đó, việc xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong thanh thiếu nhi là hết sức cần thiết.
Để văn hóa đọc phát triển bền vững, lan tỏa trong thanh thiếu nhi, các cấp, ngành, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần thực hiện tốt Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc; đồng thời rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã thúc đẩy mạnh mẽ công nghệ xuất bản sách, đồng thời cũng tạo nên một xu thế tất yếu chuyển đổi từ đọc sách in sang đọc trực tuyến... Vì vậy, các thư viện, đơn vị xuất bản cần chủ động đẩy mạnh số hóa sách, tài liệu, phát triển tủ sách điện tử, thư viện điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ để kết nối, giúp thanh thiếu nhi tiếp cận, sử dụng nguồn thông tin của các thư viện và các xuất bản phẩm một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.
Cùng với đó, các đơn vị cần tiếp tục chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo môi trường đọc hứng thú cho các em; khuyến khích tinh thần tự đọc, tự nghiên cứu, từ đó khơi dậy tinh thần hiếu học, hình thành thói quen xem sách là người bạn thân thiết không thể thiếu của mỗi thanh thiếu nhi. Mặt khác, các nhà xuất bản cũng cần chú trọng xuất bản các loại sách có nội dung đa dạng, phong phú, hấp dẫn thanh thiếu nhi...
Tầm quan trọng của sách là có thể giúp cho người đọc phát huy sự sáng tạo, áp dụng những kiến thức trong sách vào thực tế... Đọc sách có chọn lọc và hiểu hết các giá trị trong cuốn sách đó sẽ giúp người đọc ngày càng phát triển được bản thân. Vì vậy, nhà trường, gia đình cần định hướng, khơi gợi niềm đam mê đọc sách của các em; các tổ chức Đoàn, Hội, Đội phát huy vai trò của mình, đẩy mạnh các phong trào, hoạt động lôi cuốn thanh thiếu nhi đọc sách. Bản thân mỗi thanh thiếu nhi cần hiểu giá trị của sách, giải trí bằng việc đọc sách mỗi ngày, bổ sung kiến thức để cuộc sống trở nên thú vị hơn...
Xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi ở kỷ nguyên số sẽ nuôi dưỡng được những nhân cách, tâm hồn cao đẹp, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.