Nhà văn Nguyễn Hiếu: Giăng mắc nỗi nhớ trong không gian làng

Văn hóa - Ngày đăng : 11:30, 14/11/2021

(HNMCT) - Người ta bảo tuổi già thường sống bằng hoài niệm, những việc mới xảy ra có khi chóng quên nhưng lại nhớ như in những chuyện xưa cũ. Trong tập thơ “Làng mình” mới xuất bản gần đây, nhà văn Nguyễn Hiếu cũng gọi tên nỗi nhớ xưa cũ ấy qua từng lời ru, qua lũy tre làng, qua miếng bánh đa, bánh đúc hay căn nhà xưa của mẹ, qua cả những chi tiết mang dáng hình ca dao, dân ca, thành ngữ, tục ngữ.

Nhà văn Nguyễn Hiếu có sức làm việc đáng nể trọng. Đến nay, ông đã cho ra đời gần ba chục tiểu thuyết, khoảng chục tập truyện ngắn, sáu chục kịch bản sân khấu, gần hai chục kịch bản điện ảnh, phim truyền hình cùng vô số bài thơ đã đăng trên nhiều báo và tạp chí. Tập thơ “Làng mình” tuyển chọn những tác phẩm viết về làng sau gần 50 năm cầm bút của nhà văn. Tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Hiếu gắn bó sâu sắc với quê ngoại làng Chèm, cho nên trong thơ ông, dấu ấn làng của ngày xưa hiện lên rõ nét. Đó là làng của thời: 

“Hội làng
đã đến lúc tan
Mây trôi bèo dạt
cũng sang canh rồi
Nào quan họ
dọn dẹp thôi
Chớ nghe... quen miệng
“Người ơi đừng về”...

("Đùa với quan họ đến hội làng")

Thơ viết về làng của Nguyễn Hiếu đậm chất dân gian, không chỉ ở những chi tiết ông khắc họa trong thơ mà còn ở nhịp điệu thơ: “Quái chiều, nắng nhạt đã rơi/ Hai mươi, trái hồng in gò má/ Ba mươi, bồ hóng sạm da/ Băm bèo, quên lưỡi liềm trăng/ Sàng gạo, lông mày cám đọng/ Bát cơm xẻ ba nựng con/ Gắp tép rơi vào bát mẹ/ Rô ron láng mỡ dành chồng/ Canh bầu chan vỏng dâng cha”. Có thể nhận ra trong thơ ông, thật nhiều bài thơ đượm màu dân gian như “Tùy hứng chèo”, “Đàn bà làng tôi”, “Đàn ông làng tôi”, “Điệp khúc mùa”, “Hững hờ”, “Khúc ca người nông dân đi chợ đêm”, “Ô hô con đĩ đánh bồng”, “Khúc tương tư Thị Mầu”, “Thuyền thúng”, “Tùy khúc bánh đa, bánh đúc”, “Ngày xưa đâu rồi”...

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Nguyễn Hiếu đã “giăng mắc nỗi nhớ của ông trong không gian làng... Về thăm quê mà nhớ quê da diết. Nếp xưa cảnh cũ mình đã trải. Có khi chưa kịp trải mà đã ngấm vào trong máu như chuỗi gen sinh học tổ tông truyền”. Nguyễn Hiếu bần thần khi “Trở lại căn nhà xưa của mẹ/ Nơi giếng đất trong veo nỗi nhớ đầu”; xót xa “Nếu mai làng không còn tre”: “Tre xanh lụi rồi/ Ai mặc áo nâu/ Em thôi bồ kết gội đầu/ Sân đình, chèo đứt giữa câu đường trường”; bồn chồn nôn nóng vu vơ trước “làng đấy ư hay nỗi tiếc bâng quơ”; và tiếng thở dài đầy cảm xúc: “Quê một thời của ta ơi/ Một bóng câu vụn ngang trời thoắt qua”.

Thơ về làng của Nguyễn Hiếu thường trực những đợi với chờ. Không biết từ thuở thiếu thời gắn bó với quê, tâm hồn nhà văn có neo đậu bóng hình ai mà trong trang viết về làng có thể gặp những tứ thơ: “Thôi đành thả một mẻ chài/ Còn ai, ai đợi cho ai mà chờ/ Rơm vàng rút ruột thành tơ/ Loay hoay rồi lại hững hờ đến xuân" ("Cây rơm dưới chiều"); “Cánh én mùa này bớt lửa/ Ngựa chạy đường xa bụi lòa mây/ Nắng lười nằm trên bậu cửa/ Cuối đông còn ai chờ nữa/ Hé xuân mầm nào lên đọt đây” ("Tùy hứng xuân"); “Một hai nói đợi nói chờ/ Núi thiêng trụ tự ngàn xưa đến chừ” ("Đối diện với ngọn Chóp Chài"). Còn trong “Mùa sấu” là nỗi đợi “Anh ngồi đếm mùa trong tiếng dế/ Tiếng sấu rơi lịm vào tim”.

Thơ Nguyễn Hiếu khá đa dạng, nhiều thể thơ, lại có khi ông kết hợp giữa các thể thơ 3, 4, 5 tiếng, thơ tự do với thơ lục bát tạo ra những điểm nhấn trong thơ. Ông cũng có nhiều bài thơ văn xuôi, như “Bao giờ ta lại về làng”, “Mấy hôm trời mưa quá”, “Sông Cái một giải nông sờ”, “Đối diện với ngọn Chóp Chài”.

Ở tuổi ngoài 70, với nhiều thành tựu trong đời văn, ấy nhưng nhà văn Nguyễn Hiếu lại tự giễu: “Thương mình nào có thương ai/ Có một chiếc hài lại chẳng vừa chân” ("Ru ta"). Với nhà văn, cuộc đời “cũng vẹn rồi, những ghét yêu” nên ông “cả đời ta ru ta” để dẫu “Trót sinh ra ở giữa đời/ Đỏ như son, bạc như vôi cũng đành/ Thuyền nào mà chẳng lênh đênh” thì nhà văn vẫn “Giữ lòng nhân giữa buồn tênh ru mình”.

Vân Hạ