Đừng để đến lúc gặp rủi ro mới thấy cần bảo hiểm y tế

Đời sống - Ngày đăng : 18:21, 27/11/2022

(HNMO) - “Đừng để đến lúc gặp rủi ro mới thấy cần bảo hiểm y tế!”. Đó là lời khuyên của những người trong cuộc sau quá trình sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh.

Tham gia BHYT càng sớm, người dân càng có cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Không giới hạn mức hưởng

Những năm gần đây, sức khỏe của anh Đ.N.T (sinh năm 1981), trú tại phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) có biểu hiện không tốt. Đi khám chuyên sâu, anh T phát hiện bản thân mắc cùng lúc nhiều loạt bệnh về gan, máu, thận, cần điều trị dài ngày với chi phí rất lớn.

Nhờ tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, anh T sử dụng tấm thẻ có mã số GD401012800xxxx trong quá trình điều trị bệnh, phẫu thuật ghép gan và được Quỹ BHYT chi trả tới gần 1 tỷ đồng (chiếm 80%) tổng số tiền chi phí khám, chữa bệnh.

Tương tự, chị T.T.H (sinh năm 1976), trú tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) bị thiếu hụt yếu tố đông máu mắc phải (thiếu yếu tố VIII) đã sử dụng tấm thẻ BHYT mã số GD401012047xxxx phục vụ cho công tác điều trị bệnh. Số tiền bệnh nhân T.T.H được quỹ BHYT chi trả cũng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Hay bệnh nhân trẻ tuổi N.H.Đ (sinh năm 2000), mã thẻ SV401012148xxxx, trú tại xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh) từng được thanh toán hàng trăm triệu đồng tiền viện phí trong quá trình điều trị bệnh chảy máu dưới màng cứng, viêm màng não do vi khuẩn khác, viêm phổi do vi khuẩn Gram (-)…

Điểm chung của các trường hợp bệnh nhân nêu trên là nếu không có thẻ BHYT làm phao cứu sinh lúc gặp rủi ro, bệnh tật, thì gia đình họ có nguy cơ lâm vào hoàn cảnh khó khăn do phải chi số tiền lớn để trả viện phí cho người thân. Trong trường hợp gia đình không đủ khả năng chi trả chi phí khám, chữa bệnh, thì bệnh nhân khó có cơ hội phục hồi sức khỏe. 

Với tinh thần nhân văn và chia sẻ, chính sách BHYT hiện không giới hạn số lượng người tham gia, số lượt khám, chữa bệnh và cũng không giới hạn mức hưởng. Từ trải nghiệm của bản thân và gia đình, bà Trần Thị Hiên, trú tại phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) cho hay: “Tôi vừa tham gia BHYT, vừa mua bảo hiểm thương mại, nhưng chỉ có BHYT là không giới hạn mức hưởng, một bệnh nhân có thể được chi trả hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng/năm. Vì thế, mỗi người nên trang bị cho bản thân và các thành viên trong gia đình tấm thẻ BHYT làm phao cứu sinh, đừng để đến lúc gặp rủi ro mới thấy cần BHYT”. 

Người lao động tự do trên địa bàn huyện Đan Phượng tìm hiểu về BHYT hộ gia đình.

Theo các quy định hiện hành, Nhà nước cấp thẻ BHYT cho nhiều trường hợp (người hưởng chế độ hưu trí, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội…). Với những trường hợp không thuộc đối tượng được cấp thẻ, thì số tiền mua thẻ BHYT cũng không nhiều, trung bình khoảng hơn 500.000 đến hơn 800.000 đồng/người/năm, nhưng lại được hưởng rất nhiều quyền lợi.

Riêng tại thành phố Hà Nội, thống kê của BHXH thành phố cho thấy, trong 10 tháng năm 2022, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tiến hành khám, điều trị cho hơn 8,6 triệu lượt bệnh nhân với chi phí khám, chữa bệnh BHYT là hơn 15.397 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước. Chi phí bình quân 1 lượt điều trị ngoại trú là gần 595.000 đồng, chi phí bình quân 1 lượt điều trị nội trú là hơn 8,2 triệu đồng.

Nếu so với mức thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động do Tổng cục Thống kê công bố (hiện đạt khoảng 6,6 triệu đồng), thì số tiền mua thẻ BHYT trong 1 năm chỉ bằng khoảng 8 đến 12% thu nhập của 1 tháng. Trong khi số tiền phải chi cho một đợt điều trị nội trú của bệnh nhân đã cao hơn cả tháng thu nhập của người lao động.

Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy rõ hơn, thẻ BHYT là thẻ an sinh của người dân, người lao động. 

Các cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức tuyên truyền về tính nhân văn, chia sẻ của bảo hiểm xã hội tự nguyện và BHYT hộ gia đình đến đông đảo người dân trên địa bàn.

Tạo điều kiện để mọi người có thẻ an sinh

Hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội chú trọng đưa BHYT vào đời sống. Đến thời điểm cuối tháng 10-2022, toàn thành phố có 7,565 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 91,9% dân số ở Thủ đô.

Như vậy, số người tham gia BHYT tăng 83.600 người so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng lại giảm hơn 10.500 người so với cuối tháng 9-2022. Những địa phương giảm số người tham gia chính sách này là các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng; các huyện: Ba Vì, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây.

Lý giải nguyên nhân, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, do điều kiện kinh tế khó khăn, nên một số người dân không thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT không đủ khả năng mua thẻ theo hình thức hộ gia đình. Một số trường hợp chưa hiểu rõ tính ưu việt của chính sách nên chưa chủ động tham gia. Sinh viên đang ở độ tuổi trẻ, sức khỏe tốt, nên có những người chủ quan không tham gia. Điều này lý giải vì sao, BHYT bao phủ 100% đối tượng học sinh trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, nhưng mới bao phủ 98,1% đối tượng là sinh viên, tương ứng với khoảng 2.600 sinh viên chưa trang bị cho bản thân tấm thẻ BHYT. 

Tạo điều kiện cho mọi người dân, người lao động được tiếp cận, thụ hưởng những ưu việt do chính sách BHYT mang lại, dịp này, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội liên tục ra quân vận động người dân tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình. Cùng với đó, các nhà trường tăng cường vận động phụ huynh, học sinh, sinh viên tham gia, phấn đấu đưa BHYT bao phủ 100% học sinh, sinh viên trong năm học 2022-2023.

Ông Nguyễn Văn Thân (người ngoài cùng bên trái) phấn khởi khi đón nhận món quà ý nghĩa là tấm thẻ BHYT.

Đối với trường hợp có hoàn cảnh khó khăn không thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT, nhiều người đã được các cơ quan chức năng và những tấm lòng hảo tâm tặng thẻ miễn phí. Đón nhận món quà ý nghĩa là thẻ BHYT vào ngày 23-11 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thân (62 tuổi), trú tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) bày tỏ: “Tôi sẽ giữ gìn tấm thẻ cẩn thận, sẽ sử dụng để đi khám sức khỏe tại cơ sở y tế gần nhà”. 

Với những lợi ích thiết thân thấy rõ, hy vọng mỗi người dân hãy chủ động trang bị cho bản thân và các thành viên trong gia đình tấm thẻ an sinh thông qua việc tham gia BHYT, đừng để đến khi mắc bệnh nặng mới tham gia. Càng chậm ghi tên trên hệ thống BHYT, người dân càng bỏ qua những cơ hội vàng để chăm sóc sức khỏe bản thân và đứng trước nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn do phải chi phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho việc chữa bệnh.

Minh Vũ