Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ luật sư

Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 14/11/2021

(HNM) - Thời điểm Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập (ngày 12-5-2009), cả nước chỉ có 5.300 luật sư, nhưng đến nay, con số này là hơn 16.000 luật sư. Song hành với sự phát triển về số lượng, chất lượng đội ngũ luật sư cũng từng bước được nâng lên…

Quang cảnh lễ khai giảng Lớp đào tạo luật sư chất lượng cao khóa II do Học viện Tư pháp tổ chức đầu năm 2021.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, Đoàn Luật sư Việt Nam tăng gần 1.000 luật sư mới. Không chỉ tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, đội ngũ luật sư còn thể hiện thế mạnh, sự “lấn sân” sang tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp...

Đánh giá về vai trò, sứ mệnh của đội ngũ luật sư trong nước, tại buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam về khảo sát, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương ghi nhận đội ngũ luật sư Việt Nam không ngừng lớn mạnh về số lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề. Nhiều luật sư bằng tài năng, trí tuệ, nhân cách tốt đẹp đã có những cống hiến xuất sắc cho việc xây dựng nền tư pháp công bằng, dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Song, đồng chí Phan Đình Trạc cũng cho rằng: “Môi trường thực tế thực hiện các quyền tố tụng của luật sư trong hành nghề theo quy định của các bộ luật tố tụng vẫn còn là một vấn đề đáng để mỗi luật sư lưu tâm. Môi trường ấy đang đặt ra trước chúng ta nhiều việc phải làm, trong đó phát huy vai trò, vị trí của luật sư và nghề luật sư, cũng như nâng cao nhận thức của những cơ quan, cá nhân nắm giữ quyền lực nhà nước trong hoạt động tố tụng trong quan hệ với luật sư”.

Luật sư Trương Nhật Quang điều hành Công ty Luật YKVN thông tin, dù tăng tốc phát triển số lượng, nhưng đến nay, nước ta mới có khoảng hơn 100 công ty luật hàng đầu trên thị trường, trong đó có cả công ty luật nước ngoài. Bên cạnh đó, có khoảng trên 4.000 văn phòng luật sư nhỏ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tố tụng, dân sự. Các lĩnh vực hoạt động chưa đa dạng, chủ yếu trên thị trường hiện nay là các hoạt động thương mại, đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp; giao dịch tài chính, ngân hàng; giao dịch về sở hữu trí tuệ…

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế cho biết, trước đây, nghề luật sư đa phần chịu sự tác động chủ yếu của bối cảnh kinh tế, chính trị - xã hội của từng quốc gia thì đến nay còn chịu sự tác động lớn đến từ bối cảnh quốc tế và đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0. Để chạy đua cùng quá trình hội nhập, ngoài đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất cho các học viên thực hành nghề luật sư, cần thiết kế theo hướng bổ sung các kinh nghiệm quốc tế, chú trọng kỹ năng, phương pháp lập luận, tư duy, nghiên cứu, phản bác ý kiến, trình bày…

Đối với Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đang từng bước mở rộng quy mô kết hợp với nâng cao chất lượng đào tạo, phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá tư tưởng pháp lý hàng đầu của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Các phương pháp giảng dạy luật tiên tiến trên thế giới như phương pháp tranh biện, đóng vai (diễn án) sẽ được nhân rộng, áp dụng rộng rãi.

Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng xây dựng giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, củng cố và hoàn thiện bộ máy nhân sự làm việc chuyên trách, bán chuyên trách của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư; hỗ trợ cho các luật sư hành nghề.

Song song đó, cơ quan này sẽ không chỉ quan tâm phát triển đội ngũ luật sư về số lượng mà còn chú trọng bồi dưỡng đối với các luật sư mới vào nghề, uốn nắn, giáo dục các luật sư có những biểu hiện lệch lạc về chính trị, tư tưởng, đạo đức, đích đến là đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội, xứng đáng với lòng tin của người dân và xã hội.

Hà Phong