Vào cuộc tích cực, đồng bộ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 15/11/2021

(HNM) - Thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp luôn là một “bài toán” khó bởi ngoài những rủi ro ngành này hay gặp phải như thiên tai, dịch bệnh..., lĩnh vực này còn khá nhiều rào cản làm chùn bước không ít nhà đầu tư...

Thực tế, ngành Nông nghiệp Thủ đô thời gian qua vẫn có phần bấp bênh bởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tự nhiên; dịch bệnh gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân. Chưa kể, giá trị thu về khi đầu tư vào nông nghiệp đạt thấp so với các ngành khác nên ít doanh nghiệp quan tâm. Mặt khác, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này đang tồn tại quá nhiều “rào cản”, từ việc khó khăn trong việc tạo quỹ đất “sạch”, diện tích lớn, thủ tục thuê đất rườm rà…, cho đến những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Hà Nội đã tạo nhiều cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Vì thế, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng, mang lại hiệu quả rõ nét. Đến nay, toàn thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phần lớn trong số đó là do doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản Thủ đô.

Hiệu quả đã được khẳng định, nhưng việc thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Hà Nội hiện chưa tương xứng với tiềm năng. Vì thế, để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành Nông nghiệp, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, nhất là ngành Nông nghiệp Hà Nội phải có nhiều hơn những cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù.

Trước mắt, thành phố cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các “rào cản” về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, đơn giản hóa thủ tục thuê đất, từ đó tạo sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp. Liên quan đến “rào cản” về nguồn vốn, Hà Nội cần có cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi; đặc biệt là có những cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần lắng nghe, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp. Phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ổn định nhằm thu hút doanh nghiệp.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng như các địa phương cần có những định hướng về những mặt hàng nông sản thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu của Thủ đô; chú trọng công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp như: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất chuyên canh; ưu đãi về thuê đất, mặt nước để thực hiện dự án; hỗ trợ kinh phí xây dựng ban đầu đối với cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…

Đồng thời, các sở, ngành của thành phố cần rà soát lại các cơ chế, chính sách đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã..., để phát huy những cơ chế, chính sách phù hợp, đồng thời, báo cáo cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những chính sách không còn phù hợp...

Khi triển khai đồng bộ các giải pháp, cộng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, chắc chắn Hà Nội sẽ thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Hoàng Hà