Nông nghiệp Thủ đô: Gỡ ''rào cản'' để thu hút đầu tư
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:10, 15/11/2021
Đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng
Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trong đó có việc hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Cụ thể, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8-7-2015 của HĐND thành phố Hà Nội về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao vay vốn từ các quỹ của thành phố…
Mới đây nhất, ngày 10-9-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4159/QĐ-UBND về bổ sung có mục tiêu kinh phí hỗ trợ các huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2021 cho 7 huyện với số tiền gần 49 tỷ đồng...
Giám đốc Công ty Giống gia cầm Ngọc Mừng (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) Hoàng Minh Ngọc cho biết: “Nhờ chính sách hỗ trợ về nguồn giống công nghệ cao, hỗ trợ thuê đất từ chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng của thành phố, Công ty đã đầu tư gần 40 tỷ đồng, xây dựng hệ thống chăn nuôi hiện đại cùng hệ thống xử lý môi trường… Mỗi ngày, công ty xuất ra thị trường 15.000 con giống”.
Ghi nhận chuyển dịch từ thực tế, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, từ việc tăng cường cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, toàn thành phố hiện có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đa số do doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Dù ghi nhận nhiều thành công, song việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều “rào cản”. Đó là vấn đề về tạo quỹ đất, thủ tục thuê đất…, cũng như các chính sách liên quan đến nguồn vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ…
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu Việt Phúc Nguyễn Thị Lan Hương dẫn chứng, nếu như các tỉnh, thành phố khác, doanh nghiệp thuê đất từ chính quyền, thì tại Hà Nội doanh nghiệp phải thuê đất nhỏ lẻ từ các hộ nông dân mà không tiếp cận được quỹ đất lớn. Ngoài ra, việc xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng gặp nhiều khó khăn nên doanh nghiệp không đầu tư được vùng nguyên liệu lớn ở Hà Nội.
Tạo hành lang pháp lý
Từ thực tế phát triển nông nghiệp ở Hà Nội cho thấy, cần nhìn nhận, đánh giá đúng hạn chế, vướng mắc, tìm giải pháp khắc phục để thu hút đầu tư xây dựng nền nông nghiệp đô thị mang đặc trưng của một Thủ đô xanh, hiện đại.
Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù riêng cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển các khu công nghiệp nông nghiệp với hệ thống máy móc hiện đại, quy mô lớn, theo quy hoạch vùng. Đây sẽ là động lực để thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội “về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, thành phố dự kiến dành khoảng 92.680 tỷ đồng. Trong đó, chương trình đề ra nhiều giải pháp như: Xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; giải pháp đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... Thực tế, Hà Nội cũng đã phê duyệt các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, căn cứ vào đó, ngành Nông nghiệp sẽ cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn về quỹ đất, thủ tục chuyển đổi tại các vùng đã được quy hoạch…
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, theo quy hoạch về vùng sản xuất, Thanh Oai là vùng lúa chất lượng cao của thành phố. Thời gian tới, huyện sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tích tụ ruộng đất; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm... hướng tới tạo thành vùng lúa VietGAP, hữu cơ để xuất khẩu.
Nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đang lấy ý kiến về Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch quy mô lớn, công nghệ cao, sẽ là cơ sở pháp lý để tháo gỡ những khó khăn hiện tại. Cùng với đó, Hà Nội sẽ quy hoạch đất nông nghiệp ổn định và không gian cho nông nghiệp trong đô thị; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang hướng tới việc hình thành mạng lưới doanh nghiệp, công nghệ số, dịch vụ đầu tư phục vụ nông nghiệp và nông thôn thông minh…
Tin rằng, với định hướng chiến lược phù hợp gắn với phát triển Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, nông nghiệp Thủ đô sẽ từng bước phát triển bền vững.