Hiểu đúng về thông tin ''thành phố Hồ Chí Minh mở lại bệnh viện dã chiến''

Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 16/11/2021

(HNMO) - Trước thông tin trên đăng tải trên một số báo và mạng xã hội, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh giải thích, đây không phải là tái khởi động hệ thống cũ mà là việc cơ cấu lại hệ thống y tế cơ sở để thích ứng giai đoạn mới, sống chung an toàn với Covid-19.

Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 47.000 F0 điều trị tại nhà, chiếm 73% tổng số F0 đang được điều trị.

Từ đầu tháng 11-2021 đến nay, trung bình mỗi ngày, thành phố Hồ Chí Minh phát hiện khoảng 1.000 ca Covid-19 mới mỗi ngày. Phần lớn trong số này được cách ly tại nhà, nơi cư trú. Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 15-11, thành phố có hơn 47.000 trong tổng số 64.000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại nhà, chiếm 73%. Số còn lại đang điều trị trong các cơ sở y tế.

“Số F0 điều trị tại nhà đông như vậy đòi hỏi hệ thống y tế cơ sở phải đủ mạnh để hỗ trợ bệnh nhân và người nhà. Thực hiện tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về sống chung an toàn với dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh đang tái cơ cấu hệ thống y tế chuyên biệt để ứng phó với các cấp độ dịch Covid-19 trong khi thành phố tiếp tục mở dần các hoạt động xã hội”, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam thông tin.

Cụ thể, trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19 từ tháng 7 đến hết tháng 10-2021, thành phố Hồ Chí Minh có tới 16 bệnh viện dã chiến cấp thành phố, quy mô gần 40.000 giường, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 từ khắp 22 quận, huyện, thành phố. Hiện nay, thực hiện chủ trương mới, thành phố chỉ giữ lại 3 bệnh viện dã chiến có cơ sở vật chất mới được xây dựng, dùng làm bệnh viện hồi sức tích cực, chuyên điều trị F0 rất nặng, quy mô khoảng 2.000 giường ICU.

Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập các bệnh viện dã chiến trực thuộc UBND cấp huyện để chủ động thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

“Thay vì các bệnh viện dã chiến tập trung như trước đây, thành phố Hồ Chí Minh thành lập bệnh viện dã chiến trực thuộc UBND địa phương cấp huyện. Ngoài ra, các khu công nghiệp lớn cũng thành lập các khu cách ly điều trị tập trung. Mục tiêu là thành lập các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân diễn tiến nặng (tầng 2 của tháp điều trị) ngay tại địa phương để chủ động thu dung F0 trên địa bàn. Cùng với đó, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cũng thiết lập các bộ phận thu dung, điều trị Covid-19 khi cần”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam nói.

Tính đến ngày 15-11, có 8 đơn vị cấp huyện tại thành phố Hồ Chí Minh thành lập bệnh viện dã chiến. Mỗi bệnh viện có từ 300 đến 500 giường điều trị. Nhiều địa phương còn chủ động mở thêm nhiều cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, phù hợp với tình hình thực tế.

Điển hình như thành phố Thủ Đức. Với đặc thù địa bàn rộng (211,6km2), dân số đông (khoảng 1 triệu người), nhiều khu công nghiệp lớn; tiếp giáp Đồng Nai và Bình Dương (hai địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp), dù phần lớn F0 điều trị tại nhà, Thủ Đức vẫn duy trì 3 điểm cách ly tập trung, 2 bệnh viện đã chiến và 3 bệnh viện điều trị Covid-19. Khu công nghệ cao trên địa bàn cũng có khu thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 riêng. Bí thư Thành ủy thành phố Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, các phường cũng đang khẩn trương thành lập các điểm thu dung với quy mô từ 30 đến 50 giường/đơn vị.

Thành phố Hồ Chí Minh thành lập hàng trăm Trạm y tế lưu động tại các xã, phường để điều trị F0 tại nhà.

Tại tầng 1 của tháp điều trị, thành phố Hồ Chí Minh thành lập hàng trăm Trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn. Mỗi trạm phụ trách từ 50 đến 100 F0 điều trị tại nhà. Cùng với đó, tại nhiều khu chung cư, cư dân tự thành lập Tổ y tế cơ sở gồm nhân viên y tế ngụ tại chung cư, giúp đỡ F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà.

Anh Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban Quản lý chung cư Hoàng Anh Thanh Bình, đường D4, phường Tân Hưng, quận 7 chia sẻ: “Mô hình Tổ y tế cơ sở đã hoạt động rất hiệu quả suốt 4 tháng cao điểm chống dịch Covid-19 nên đến giờ, chung cư vẫn duy trì mô hình này. Hiện, 6 căn hộ có F0 điều trị tại nhà được Tổ y tế phối hợp với Trạm y tế phường theo dõi chặt chẽ, chăm sóc thường xuyên. Cư dân là F0 và hàng xóm rất ủng hộ và phối hợp điều trị, phòng dịch”.

Phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú thiết lập mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, tư vấn điều trị cho F0 tại nhà.

Ngoài ra, ngành Y tế thành phố vừa tái khởi động mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tại cơ sở, gồm những y, bác sĩ tình nguyện tham gia hệ thống tư vấn điều trị miễn phí từ xa cho F0. Tuy nhiên, khi thiết lập các cơ sở y tế rộng khắp, thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với khó khăn về thiếu nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực y tế ở cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam nói: “Thành phố đang triển khai nhiều biện pháp để thu hút được bác sĩ có tay nghề, trình độ về y tế xã, phường. Cùng với đó, thành phố chủ động và đề xuất Bộ Y tế tạo thêm cơ chế phù hợp để thu hút y tế tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, khi thành phố thực hiện chiến lược sống chung an toàn với bệnh dịch này”.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Thu Hoài