Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô: Yêu cầu cần thiết và khách quan
Bất động sản - Ngày đăng : 08:38, 16/11/2021
Đòi hỏi tất yếu
Kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, sau gần 3 năm nghiên cứu với sự tham gia của tư vấn trong và ngoài nước, sự chỉ đạo, góp ý của các cơ quan Trung ương, tham vấn nhân dân cả nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tháng 7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch chung) với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế, có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
Ngay khi công bố Quy hoạch chung, vấn đề quan trọng được đặt ra là tổ chức thực hiện. Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự phối hợp của các bộ, ngành, 10 năm qua Thủ đô đã đạt được những kết quả đáng kể, khá toàn diện. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, cao hơn bình quân của cả nước, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh, hiện đại, giá trị văn hóa, truyền thống ngàn năm văn hiến được giữ gìn, phát huy; chất lượng sống của người dân cả khu vực đô thị và nhất là nông thôn được cải thiện rõ rệt. Danh hiệu “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, điểm đến thân thiện, thành phố đáng sống được phát huy.
Song, bên cạnh kết quả cũng còn bộc lộ một số tồn tại, thách thức mới cần điều chỉnh định hướng và công cụ quản lý, điều chỉnh Quy hoạch chung. Điều chỉnh Quy hoạch chung phù hợp với quy định pháp lý và cũng là đổi mới để triển khai các định hướng phát triển của đất nước, của vùng, của Thủ đô và tuân thủ hệ thống văn bản pháp luật mới ban hành. Chuỗi công tác liên hoàn này cũng phù hợp với các Nghị quyết của Quốc hội và nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII. Trong bối cảnh đó, rất cần nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung một cách khoa học, đồng bộ và có tính thực tiễn cao. Điều chỉnh Quy hoạch chung phải được tiếp cận từ đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, đó là mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị. Sự điều chỉnh phải phù hợp xu thế cách mạng khoa học công nghệ mới, gắn với tăng trưởng xanh, xây dựng chính quyền đô thị thành phố thông minh, phát huy truyền thống văn hóa đặc thù của Thủ đô, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Những vấn đề cần quan tâm
Qua thực tiễn và từ định hướng phát triển đất nước, việc điều chỉnh quy hoạch cần quan tâm tới một số vấn đề, chú trọng tính kế thừa phát triển. Quy hoạch chung được duyệt năm 2011 đã xác định mô hình phát triển đô thị Thủ đô là mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn. Đây là mô hình đã được trao đổi nhiều từ khi lập quy hoạch, là mô hình hợp lý, phù hợp với thực tiễn Hà Nội, dựa trên kinh nghiệm phát triển London (Anh), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc)... và sự sáng tạo của Việt Nam. Dù qua rà soát kết quả thực hiện 10 năm qua cho thấy sự bất cập trong phát triển đô thị vệ tinh, chưa gắn kết phát triển nông thôn mới với đô thị hóa... nhưng đến nay đây vẫn là mô hình hợp lý, là giải pháp tốt để hướng tới xây dựng Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Thông minh”, cần tiếp tục khẳng định quyết liệt hơn trong xây dựng cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho sự phát triển.
Về dân số, theo kết quả điều tra năm 2019, dân số toàn thành phố là 8,05 triệu người, so với năm 2009 thì tỷ lệ tăng bình quân năm là 2,48%, vượt so với dự báo của Quy hoạch chung (đến năm 2020 là 7,3 - 7,9 triệu người). Về phân bố dân số với dự báo tỷ lệ đô thị hóa 58% - 60% nhưng thực tế năm 2019 mới chỉ đạt 49%. Cần xem xét, xác định rõ nguyên nhân vì sao việc triển khai các đô thị vệ tinh, thị trấn còn chậm, phát triển vùng chưa như định hướng, Luật Thủ đô chưa tạo được chính sách đặc thù có hiệu quả để quản lý dân cư. Xác định quy mô dân số hợp lý có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, xác lập các chỉ tiêu về thu nhập, giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật... Vì vậy, trong điều chỉnh Quy hoạch chung lần này cần phân tích các kịch bản để tăng hay giữ số lượng như quy hoạch dự báo trong bối cảnh những năm tới từ nguồn lực phát triển đô thị. Áp lực vào kết cấu hạ tầng thì quy mô dân số như dự báo là hợp lý, song cần điều chỉnh phân bố dân số. Cần tiếp tục khẳng định giảm dân số trong nội đô lịch sử, thúc đẩy hình thành, tạo nơi đến có chất lượng ở các đô thị phát triển, đô thị vệ tinh...
Trong Quy hoạch chung đã dự báo tỷ lệ đô thị hóa nhưng chưa đạt được, cần có chính sách để đẩy mạnh, hướng đến mục tiêu Hà Nội là đô thị đặc biệt, có đô thị trung tâm mở rộng. Quy hoạch chung được duyệt năm 2011 chưa có mô hình thành phố trong thành phố, phải đến tháng 10-2016, khi Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính thì mới xác định và công nhận có thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã triển khai mô hình này, song thành phố Thủ Đức có tính đặc thù là đô thị có quá trình phát triển, đô thị hóa mạnh từ nhiều năm nay. Đối với Hà Nội, khi đề xuất mô hình thành phố trong Thủ đô, cần có cách tiếp cận đồng bộ từ các chỉ tiêu để công nhận, với giải pháp có tính thực tiễn cao.
Về không gian, kiến trúc cảnh quan, Quy hoạch chung đã đề cập định hướng cơ bản hợp lý, trong đó có hình thành hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh và trục sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm thành phố. Để tiếp tục thực hiện định hướng, rất cần có cơ chế chính sách để quản lý và cả sửa đổi bổ sung một số luật, một số quy hoạch quốc gia như phòng, chống lũ. Để hướng tới Hà Nội xanh, một đô thị hấp dẫn có sức cạnh tranh, đậm đà bản sắc Thăng Long - Hà Nội thì tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan như Quy hoạch chung đã xác định là yếu tố quan trọng.
Hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đang chịu áp lực lớn và để giải quyết vấn đề này, cần có nguồn lực lớn từ ngân sách, từ xã hội hóa và cả chính sách quản lý có hiệu lực. Trong giai đoạn 2021 - 2030, cần tiếp cận từ bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của vùng để có điều chỉnh cục bộ, điều chỉnh tiến độ đảm bảo tính hiện thực.
Định hướng về tổ chức không gian trong Quy hoạch chung đã cơ bản có gắn kết với yêu cầu về môi trường sống. Song, thực tiễn 10 năm qua cho thấy còn một số tồn tại liên quan tới việc di dời một số trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, một số trường đại học; hệ thống thương mại dịch vụ (các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ) phân bố chưa đều... Đây là vấn đề cần tiếp tục thực hiện nhưng cũng cần xem xét điều chỉnh lộ trình cùng với xây dựng cơ chế chính sách và tài chính đặc thù cho Hà Nội.
Điều chỉnh Quy hoạch chung là yêu cầu cần thiết và khách quan, cần được triển khai đồng bộ, rõ tính khả thi, hiệu quả. Với phương châm “Cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước”, với sự chỉ đạo sát sao của Thành phố, chắc chắn rằng việc điều chỉnh quy hoạch chung sẽ có chất lượng, có tính khoa học, thực tiễn. Hà Nội, “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin và hy vọng.