Tiêm vắc xin phòng dịch covid-19 cho trẻ: An toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:35, 17/11/2021

(HNNN) - Sau khi Hà Nội thực hiện nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng thời gian gần đây đã tăng mạnh, kèm theo sự xuất hiện của nhiều ổ dịch lớn. Trong bối cảnh đó, Thành phố hiện đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án và điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn trong việc tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid-19 cho trẻ em.

Thành phố Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án và điều kiện cần thiết để tiêm vắc xin cho trẻ. (Ảnh mang tính minh họa)

Sẵn sàng các phương án

Thành phố Hà Nội đã lên danh sách khoảng 680.000 - 840.000 trẻ thuộc đối tượng tiêm vắc xin phòng Covid-19. Cùng với đó, Thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án và điều kiện cần thiết tại các cơ sở tiêm chủng cho trẻ và sẽ tiến hành tiêm cho trẻ ngay sau khi được phân bổ lượng vắc xin cần thiết.

Thạc sĩ Ngô Khánh Hoàng, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, cho biết, Thành phố đang rà soát các đối tượng, nhưng tùy thuộc vào lượng vắc xin được phân bổ, nếu vắc xin không đủ thì sẽ tiêm cho lứa tuổi 17 - 18 trước rồi đến lứa tuổi 16 - 17. Nếu có đầy đủ vắc xin thì sẽ triển khai tiêm diện rộng. Cũng theo Thạc sĩ Ngô Khánh Hoàng, Hà Nội có 2 phương án triển khai tiêm, nếu học sinh đi học đầy đủ thì sẽ tiêm tại trường học. Còn nếu dịch phức tạp thì sẽ tiêm tại cộng đồng. “Theo thống kê, Hà Nội có hơn 800.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi. Trong chiến dịch tiêm chủng vừa qua, đã có những ngày Hà Nội tiêm được hơn 600.000 mũi vắc xin. Với tốc độ này, sắp tới Hà Nội sẽ cố gắng tiêm cuốn chiếu, tiêm xong học sinh lớp 12 rồi đến các em học lớp 11, lớp 10, lớp 9... và trong vòng khoảng 2 tuần có thể hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi”, ông Hoàng chia sẻ.

Theo kế hoạch tiêm chủng, khi nguồn vắc xin chưa đủ, việc phân bổ số lượng vắc xin cho các quận, huyện, thị xã của Hà Nội được triển khai theo thứ tự ưu tiên, đó là nơi có ca F0 mới, nơi có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, nơi giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông, nơi có khu cách ly tập trung... Khi có đủ vắc xin, việc triển khai được tiến hành đồng loạt trên toàn thành phố.

Ngoài ra, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch, Thành phố sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho trẻ em ở các quận, huyện đang có dịch. Ngoài các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, Hà Nội sẽ huy động các điểm tiêm chủng tại bệnh viện, phòng khám trong và ngoài công lập, các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và tăng cường hỗ trợ nhân viên có chứng nhận an toàn tiêm chủng tăng cường tại điểm tiêm.

Phụ huynh không nên quá lo lắng

Theo quy định, việc tiêm vắc xin cho trẻ em phải có sự đồng ý của phụ huynh. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường ở Hà Nội đã lấy phiếu khảo sát ý kiến của phụ huynh về việc tiêm vắc xin cho trẻ. Bên cạnh phần lớn ý kiến đồng thuận cho trẻ tiêm vắc xin, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại. Chị Hoàng Hồng Vân (phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng) cho biết, chị khá “lăn tăn” bởi trẻ chỉ ở nhà nên nguy cơ nhiễm bệnh là thấp nếu bố mẹ và các thành viên thực hành tốt các biện pháp phòng dịch. Còn chị Trần Thị Hằng (đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cũng bày tỏ lo ngại và ý định chưa cho con tham gia ngay đợt đầu này mà chờ một thời gian nữa.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho hay, hiện trên thế giới có 40 quốc gia triển khai việc tiêm vắc xin cho trẻ em với loại vắc xin tương tự như loại Việt Nam cho phép sử dụng để tiêm cho trẻ em, trong đó có 19 nước ở châu Âu như Anh, Pháp, Italia, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ba Lan...; 6 quốc gia ở châu Mỹ như Mỹ, Canada, Brazil...; các quốc gia ở khu vực khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Australia, New Zealand...

Trước những lo ngại của phụ huynh học sinh, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) cho rằng, đây là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trẻ em từ 12 tuổi đã có cơ thể phát triển không khác nhiều so với người lớn, do đó phản ứng sau tiêm hầu như không khác biệt so với người lớn. Việc quan trọng nhất vẫn là vấn đề khám sàng lọc trước tiêm vắc xin phòng Covid-19 để có được chỉ định chính xác, đảm bảo tiêm an toàn, đúng đối tượng, bởi hiện nay nhiều trẻ em trong độ tuổi 12 - 17 cũng đã xuất hiện những bệnh lý nền, trong đó có cả ung thư.

Ngoài ra, theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, công tác chuẩn bị và triển khai tiêm sẽ khó khăn hơn với người lớn bởi khi trẻ tiêm sẽ có thêm người nhà đi cùng, trẻ lại thường có tâm lý lo sợ. Vậy nên, để công tác tiêm chủng cho trẻ đạt hiệu quả và bảo đảm an toàn, theo lãnh đạo CDC Hà Nội, cần tập trung vào 3 vấn đề: Chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, cũng như chuẩn bị các phương án để tiêm cho trẻ an toàn ngay tại trường học. Tiếp đó, cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước và trong khi tiêm. Cuối cùng là làm tốt công tác theo dõi sau tiêm.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, tiêm vắc xin cho trẻ em cần lưu tâm vấn đề sàng lọc, xem xét chỉ định hay chống chỉ định tiêm. Trường hợp chống chỉ định duy nhất là từng có phản ứng phản vệ độ 2, còn các tình trạng khác có thể chỉ định tiêm. Trẻ có bệnh nền cần được tiêm ở bệnh viện giống như chỉ định cho người lớn. Còn theo Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng giống như triển khai tiêm cho người lớn, giai đoạn đầu cần thực hiện một cách cẩn trọng, tiêm ở điểm tiêm có sự giám sát tốt, tiêm theo độ tuổi giảm dần. Sau khi triển khai tiêm theo quy mô nhỏ, việc tiêm cho trẻ em sẽ được triển khai ở quy mô lớn. Khi đã hoàn chỉnh tất cả vấn đề liên quan đến hướng dẫn chuẩn bị tổ chức và các tuyến thí điểm ban đầu làm trơn tru, chúng ta sẽ triển khai ở tất cả các điểm tiêm: Trạm y tế, trường học, thậm chí tiêm ngoài trạm.

Khi tiêm vắc xin cho trẻ, Tiến sĩ Phạm Quang Thái đặc biệt lưu ý tới việc theo dõi sau tiêm, phát hiện các phản ứng bất thường và đưa đến cơ sở y tế sớm. Nếu chủ quan thì khi có tai biến phát sinh, hậu quả không thể lường trước. Một số ý kiến khác thì cho rằng, ngoài chuẩn bị tiêm vắc xin an toàn cho trẻ, tìm kiếm nguồn cung vắc xin, Bộ Y tế cần chủ động kế hoạch phân bổ vắc xin cho các địa phương trên cơ sở phân tích nhu cầu, điều kiện. Cụ thể, thay vì chờ đợi, để tránh rơi vào bị động thì các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất, chia sẻ để Trung ương và địa phương cùng phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, có phương án kỹ lưỡng nhất, sẵn sàng cho việc tiêm khi vắc xin về nhiều. Đặc biệt, cần lưu ý vấn đề tuyên truyền để có được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh đối với việc tiêm vắc xin cho trẻ. Cụ thể, cần tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn, khuyến cáo cha mẹ về vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ em để họ yên tâm. Đây là trách nhiệm chung của cơ quan chuyên môn, các địa phương, nhà trường, nhằm góp phần thực hiện chủ trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em trong thời gian tới.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

An An