Cõng chữ lên non
Giáo dục - Ngày đăng : 07:26, 17/11/2021
Những hy sinh thầm lặng
Làng Sáng là bản vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Háng Đồng (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), quanh năm sương mù bao phủ. Do bản cách quá xa trung tâm xã, đi lại khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Cũng bởi thế mà sự nghiệp “gieo chữ” của các giáo viên “cắm bản” ở Làng Sáng càng vất vả, gian nan hơn.
Trong chuyến công tác lên bản Làng Sáng vào năm 2007, giữa đường chúng tôi gặp thầy giáo Mùa A Nhè (sinh năm 1979) đang gùi thực phẩm lên bản. Tò mò hỏi thầy thì được biết đây là số thực phẩm chuẩn bị cho khoảng 1 tháng “cắm bản” trên Làng Sáng. Không gì khác ngoài muối, mỳ chính, 2 bịch mỳ tôm loại 1kg/túi, 2kg thịt lợn ba chỉ, còn lại chủ đạo là cá khô loại rẻ nhất. Lý do phải mang thực phẩm từ dưới huyện lên là bởi có tiền cũng không có gì để mà mua ở bản vùng cao đặc biệt khó khăn này... Bữa đó thầy giáo Mùa A Nhè chia sẻ: “Ngày đầu nhận nhiệm vụ, tôi khoác ba lô bám gót Trưởng bản đi bộ 2 ngày đường, tối mịt mới đến được bản Làng Sáng. Đấy là mình đi nhanh, chứ bình thường phải 3 ngày mới đến nơi. Đã nghe nhiều về bản Làng Sáng, khả năng đi bộ cũng không kém đồng bào địa phương nhưng tôi không thể hình dung được đường lên Làng Sáng lại cực nhọc đến vậy. Cái cảm giác đi mãi, đi mãi, chùn hết cả chân mà vẫn đang ở giữa rừng, giữa núi trong ngày đầu lên nhận nhiệm vụ cho đến giờ tôi vẫn không thể nào quên”.
Tình cờ 14 năm sau tôi gặp lại Mùa A Nhè tại khu 1 của bản Háng Đồng C, một bản nằm sát với bản Làng Sáng. “Chúng tôi cứ 2 năm thay nhau lại lên “cắm bản” ở Làng Sáng. Như tôi đến nay đã 25 năm trong nghề, đã 5 lần được giao nhiệm vụ “cắm bản” ở Làng Sáng mà quả thực nhiều lúc cũng thấy buồn bởi những khó khăn, vất vả khi lên dạy học trên này. Nhưng nghĩ lại, nếu ai cũng ngại khổ rồi từ bỏ thì tương lai của trẻ em trên này sẽ ra sao. Vào mùa khô thì tuần về thăm gia đình được một lần. Còn mùa mưa, có khi cả tháng trời không về được...”, thầy giáo Nhè cho biết.
Tương tự như thầy Mùa A Nhè, cô giáo Phàng Thị Kếnh (sinh năm 1983), giáo viên Trường Mầm non xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên) cũng đã có 18 năm “gieo chữ” tại các bản đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên, trong đó có bản Làng Sáng. Trong những quãng thời gian “cắm bản”, cô Kếnh phải xa gia đình, hy sinh nhiều thứ, “nhường” hết phần việc chăm sóc gia đình, con cái cho chồng. Cô giáo Kếnh bộc bạch: “Đa phần nhà các cô giáo ở dưới huyện, lên vùng cao dạy đã là vất vả rồi, mỗi tuần chỉ về nhà được một lần. Còn lên bản xa hơn thì khó khăn gấp bội. 18 năm trong nghề, hầu như em chỉ ở trên trường với học sinh. Em có 2 con, cả tháng về nhà được mấy lần. Chồng cũng bận công việc nên việc chăm sóc các con cũng khó khăn. Đặc biệt, khoảng thời gian lên Làng Sáng dạy học là khó khăn, trăn trở nhất. Việc đi lại, sinh hoạt ở điểm trường này là cả một vấn đề với phụ nữ. Vì là nữ nên đi bộ phải đi từ sớm, nếu không đến bản sẽ muộn. Có những lúc đi đường một mình thấy tủi thân quá liền khóc. Đêm nằm nhớ gia đình cũng khóc. Không ít lần con ốm, nghĩ đến cảnh một mình chồng chăm con mà mình thì không giúp được gì, cũng khóc... Có lần con ốm phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), em phải xin nghỉ dài ngày và như vậy đồng nghĩa với việc học sinh trên bản cũng phải nghỉ theo”.
Gian nan sự nghiệp “trồng người”
Cũng nhờ vào tình yêu nghề và tinh thần quyết tâm bám bản, bám lớp, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào cho con em đi học của những giáo viên “cắm bản” nên tình trạng bỏ học giữa chừng hay trẻ em nữ không được đi học tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La đã giảm hẳn. Ví dụ như ở bản Làng Sáng, mặc dù đời sống kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn nhưng trẻ trong độ tuổi đều được đi học. Các em sau khi học xong lớp 4 ở bản, không kể hộ nghèo hay không, kể cả các em nữ, đều tiếp tục được theo học ngoài trung tâm xã. Sự quan tâm đó thể hiện rõ khi người dân trong bản đã cùng các giáo viên nơi đây góp công sức, góp vật liệu để dựng lớp học cũng như nơi ăn nghỉ cho thầy trò.
Trong câu chuyện với những giáo viên “cắm bản”, chúng tôi được biết: Không ít giáo viên khi lên nhận nhiệm vụ tại các xã vùng cao đã bỏ về khi thấy điều kiện nơi đây khó khăn, cực khổ. Như điểm trường bản Làng Sáng, thực sự là nơi thử thách lòng yêu nghề của giáo viên, đã có người sờn lòng rồi bỏ việc. Với bậc Tiểu học, từ năm 2019 trở về trước, nhiệm vụ “cắm bản” được “ưu tiên” cho giáo viên nam. Trong việc đi lại, các giáo viên tiểu học là nam có nhiệm vụ “tháp tùng” các cô giáo mầm non ngược dốc, xuyên rừng. Do vậy, nếu không thực sự yêu nghề và lòng kiên trì thì khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ”.
Ở ngành Giáo dục tỉnh Sơn La hầu như ai cũng biết câu chuyện “cắm bản” của thầy giáo Lường Văn Cóng (sinh năm 1977), hiện là giáo viên Trường Tiểu học xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên. Thầy Cóng đã có gần 20 năm tình nguyện “gieo chữ” tại các bản đặc biệt khó khăn của Sơn La. Sự nghiệp “cõng chữ lên non” của thầy Cóng bắt đầu từ năm 2001. Khi đó mới 24 tuổi, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La, chưa lập gia đình, thầy Cóng tình nguyện lên vùng cao Hang Chú. Vì sự lựa chọn đó, người thầy giáo trẻ đã vấp phải sự phản đối từ phía người thân và bạn bè. Thế nhưng, với tình yêu nghề, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh vẫn quyết tâm bám trụ ở nơi mà nhiều người coi là “ma thiêng, nước độc”.
Điều đáng nói là thời điểm đó còn có vợ và em gái thầy Cóng cũng tình nguyện lên cắm bản tại xã Hang Chú từ năm 2003. Phải mãi đến năm 2012, vợ thầy Cóng mới chuyển về vùng thấp và đến năm 2018 thì thầy giáo Cóng mới “xuống núi”, tới Tạ Khoa là một xã dọc sông Đà của huyện Bắc Yên. Tiếng là về xã vùng thấp nhưng hai vợ chồng và đứa con trai duy nhất vẫn thường xuyên xa nhau. Các bản mà thầy Cóng tới làm nhiệm vụ đều xa trung tâm, dân trí hạn chế. Việc vận động các em tới lớp gặp nhiều khó khăn bởi đa phần các em không thạo tiếng phổ thông, thầy giáo thì chưa biết tiếng dân tộc Mông. Do vậy, cùng với dạy chữ, các thầy cô giáo phải tranh thủ học thêm tiếng dân tộc, buổi tối và ngày nghỉ thì tới nhà tuyên truyền, vận động đồng bào cho con em đi học. Để hoàn thành nhiệm vụ “trồng người”, trong mấy năm cắm bản, thầy Cóng đã phải đổi tới 5 chiếc xe máy nhằm phục vụ cho việc đi lại. Có lần, trong đêm tối, từ lớp học cắm bản, thầy phải địu con trai lúc đó mới hơn 1 tuổi trước ngực, chở vợ trên con đường gồ ghề xuống huyện để khám bệnh. Thầy Cóng kể: “Hôm đó là ngày nghỉ, thấy vợ kêu đau bụng dữ dội, dùng đủ cách mà vẫn không hiệu quả, tôi quyết định đưa vợ xuống huyện. Mất gần 6 tiếng đồng hồ xuống huyện thì mới biết vợ bị đau ruột thừa. Bác sĩ nói chỉ chậm một chút nữa là nguy hiểm tới tính mạng”.
Khó mà kể hết những gian nan trong sự nghiệp “trồng người” của những giáo viên vùng cao. Nhưng có một điểm chung nhất mà chúng tôi cảm nhận rõ là họ luôn có lòng yêu nghề, yêu trò và không khó khăn, gian khổ nào có thể khiến họ chùn bước, sờn lòng.