''Bắt tay'' cùng vượt khó để bảo đảm ổn định thị trường lao động

Đời sống - Ngày đăng : 16:00, 17/11/2021

(HMMO) - Ngày 17-11, Báo Nhân Dân phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch”. Ý kiến tại tọa đàm cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động “bắt tay” cùng vượt khó là giải pháp tốt nhất để bảo đảm việc làm, ổn định thị trường lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh thông tin về bức tranh lao động, việc làm tại tọa đàm.

Quan tâm đến đời sống người lao động

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Đặc biệt, trong quý III, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm; 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; hơn 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Nguồn cung lao động bị suy giảm.

Trong quý III, cả nước có 47,2 triệu lao động có việc làm, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu việc làm chuyển dịch theo hướng tiêu cực khi tăng số lượng lao động làm việc ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; giảm ở lĩnh vực dịch vụ công nghiệp, xây dựng...

Trước thực trạng này, thời gian qua, Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ an sinh cho người lao động. Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, cả nước có hơn 27,62 triệu lượt người lao động được tiếp cận với các chính sách, nguồn lực hỗ trợ từ các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. Tổng kinh phí đã chi theo các gói hỗ trợ là hơn 27.000 tỷ đồng. Sự quan tâm, trợ giúp kịp thời đó góp phần giúp nhiều lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, bảo đảm việc làm.

Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, góp phần vào kết quả trên, Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời phát hiện những trường hợp khó khăn để trợ giúp hoặc có biện pháp đề xuất trợ giúp phù hợp.

Người lao động và doanh nghiệp ngành Dệt may cùng cố gắng để tổ chức sản xuất phù hợp với bối cảnh có dịch Covid-19.

Cần thích ứng linh hoạt

Cùng với nguồn lực trợ giúp, nhiều ý kiến cho rằng, các bên liên quan cần chủ động triển khai nhiều giải pháp bảo đảm việc làm cho người lao động. Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh, các bên cần kết hợp hai chính sách là tài khóa và tiền tệ, kèm theo các chính sách về an sinh xã hội. Trong đó, chính sách tiền tệ đóng vai trò then chốt, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi và bứt phá.

Phó Trưởng khoa Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế quốc dân) Ngô Quỳnh An cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp họ có thêm nguồn lực về vốn, về con người... để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn. Đối với người lao động, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, mỗi người cần chủ động, nỗ lực trang bị kiến thức, kỹ năng, nắm bắt các cơ hội việc làm.

Chia sẻ tại tọa đàm, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho hay, công ty này hiện có 110.000 công nhân. Để người lao động yên tâm làm việc, ban lãnh đạo của Samsung thường xuyên thăm các công ty cung ứng để thăm hỏi, động viên công nhân cùng cố gắng vượt qua thời kỳ khó khăn, đồng thời hỗ trợ người lao động một phần kinh phí phòng dịch Covid-19… Bằng cách này, Samsung có thể duy trì năng suất sản xuất và đạt tăng trưởng tốt hơn so với năm 2020.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường chia sẻ, tập đoàn hiện có 155.000 lao động. Ở thời điểm giãn cách xã hội, tập đoàn có tới 56.000 lao động không thể đến làm việc tại doanh nghiệp, hiện vẫn còn nhiều lao động chưa thể trở lại làm việc. Để thích ứng, tập đoàn bố trí dây chuyền sản xuất phù hợp theo nơi ở của người lao động, đề phòng trường hợp không may có ca Covid-19, thì chỉ có một nhóm phải tạm dừng hoạt động.

Về chính sách, trong giai đoạn người lao động phải nghỉ việc, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn chi trả thu nhập cho người lao động bằng mức lương tối thiểu vùng. Nhờ đó, lực lượng lao động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam ít biến động, hoạt động sản xuất, kinh doanh đều tăng trưởng...

Những ý kiến chia sẻ tại tọa đàm là những gợi mở thú vị để các bên cùng triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh có dịch Covid-19.

Minh Ngọc