Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng ba trụ cột để sống chung an toàn với Covid-19

Đời sống - Ngày đăng : 16:53, 17/11/2021

(HNMO) - Cùng với việc mở lại nhiều hoạt động xã hội và tăng cường cách ly, điều trị F0 tại nhà; triển khai nhiều giải pháp để sống chung an toàn với Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh tăng cường lực lượng y tế cơ sở để quản lý, điều trị F0 và tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Nhân viên y tế từ Bệnh viện Quân y 175 tăng cường cho thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19.

Tăng cường y tế cơ sở

Ngày 17-11, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã tăng cường 20 tổ quân y với 60 nhân viên y tế cho 3 quận của thành phố Hồ Chí Minh để duy trì các trạm y tế lưu động trên địa bàn.

Cụ thể, lực lượng Quân y tăng cường 10 tổ với 30 nhân viên cho quận Gò Vấp; tăng cường 4 tổ với 12 nhân viên cho quận Bình Tân và tăng cường 6 tổ với 18 nhân viên cho quận Tân Phú. Đây là những địa bàn có số ca F0 tăng trong thời gian qua, có mật độ dân cư đông, nhiều khu dân cư chật chội, dễ lây lan dịch bệnh nếu không được quản lý tốt.

Đại tá Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, lực lượng y tế tiếp viện cho thành phố là những y, bác sĩ, điều dưỡng từ các đơn vị nòng cốt của Bệnh viện Quân y 175 có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm, đặc biệt, hầu hết các y, bác sĩ, điều dưỡng đều đã tham gia các công tác phòng, chống dịch trong thời gian cao điểm vừa qua và tiếp tục tình nguyện tham gia tổ quân y lần này.

Các nhân viên y tế Bệnh viện Quân y 175 sẽ về các địa bàn tại 3 quận Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, UBND thành phố Thủ Đức cũng tổ chức lễ ra quân đưa gần 2.300 cán bộ, công chức, lực lượng tình nguyện viên về cơ sở hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Trong tổng số gần 2.300 cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng tình nguyện viên này, có 120 y, bác sĩ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Lê Văn Việt, Bệnh viện Thủ Đức và Trung tâm Y tế Thủ Đức; 403 quân dân y; 300 giáo viên; 200 đoàn viên; 150 cán bộ của Hội Chữ thập đỏ và hơn 1.000 nhân lực từ các lực lượng khác.

Lực lượng tăng cường này sẽ về 34 phường và một số đơn vị để bổ sung cho lực lượng tại các trạm y tế cơ sở đang chăm sóc số F0 có xu hướng gia tăng, nhất là tại các điểm tập trung đông dân cư và các doanh nghiệp vừa trở lại hoạt động.

Thành phố Thủ Đức đưa gần 2.300 cán bộ về cơ sở tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết, từ ngày 14-11, thành phố Thủ Đức chính thức triển khai kế hoạch bảo đảm an sinh trong tình hình mới, chăm lo cho tất cả các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn đang cách ly, điều trị tại nhà.

Cụ thể, đối với gia đình F0 có dưới 3 thành viên (tại thời điểm cách ly tại nhà), sẽ được trao túi an sinh gồm các thực phẩm thiết yếu trị giá khoảng 300.000 đồng/lần để sử dụng trong 5 ngày. Đối với hộ gia đình có từ 4 đến 6 người (tại thời điểm cách ly tại nhà), sẽ được trao túi an sinh trị giá khoảng 500.000 đồng/lần.

Đối với hộ gia đình có từ 6 người trở lên, tùy theo hoàn cảnh thực tế, từng gia đình sẽ được đề xuất mức hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai sẽ được hỗ trợ thêm sữa, bột dinh dưỡng.

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai 3 trụ cột gồm phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế và hỗ trợ an sinh để sống chung an toàn với Covid-19.

Ba trụ cột để sống chung với Covid-19

UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định, trong tình hình mới, thực hiện chủ trương sống chung an toàn với dịch Covid-19, thành phố tập trung thực hiện ba trụ cột, gồm: Kiểm soát dịch; phục hồi, phát triển kinh tế; an sinh xã hội.

Về kiểm soát dịch, thành phố đánh giá, số ca bệnh có thể tăng nhưng phải được phát hiện kịp thời, quản lý được, chăm sóc được người mắc Covid-19, không để bệnh nhân chuyển nặng, hạn chế tử vong. Thành phố sẽ giao lại trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện; trạm y tế cho UBND quận, huyện quản lý, còn Sở Y tế chỉ quản lý về chuyên môn. Các bên phối hợp phát triển mạnh y tế cơ sở.

Về phục hồi và phát triển kinh tế, UBND thành phố đã xây dựng xong chương trình phục hồi kinh tế, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sau đại dịch. Thành phố sẽ tổ chức để doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận được với các chính sách của thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ngay việc xây nhà ở xã hội, phục vụ người lao động có thu nhập thấp.

Về an sinh xã hội, trong kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2020-2025, UBND thành phố đang khẩn trương triển khai chương trình nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp; thay thế nhà ven kênh rạch và các khu nhà trọ có mật độ dân cư đông. Thành phố coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để cơ bản giải quyết “điểm đen” về nhà ở, giãn mật độ dân cư ở những điểm đông đúc, quyết tâm cải thiện điều kiện ở, sinh hoạt cho người dân.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định: “Thành phố tăng cường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhất là chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, các trường hợp dễ bị tổn thương vì đại dịch từ nay cho đến Tết Nguyên đán sắp tới”.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Thu Hoài - Phương Nam