Cẩn trọng với livestream bán hàng

Kinh tế - Ngày đăng : 16:20, 17/11/2021

(HNNN) - Rộ lên từ vài năm gần đây, livestream đang trở thành từ khóa “hot” trong cộng đồng tiểu thương online nhờ đặc tính tương tác cao và khả năng tăng doanh số bán hàng. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, việc mua hàng qua kênh livestream càng được nhiều người lựa chọn khi người mua có thể ngồi tại nhà nhưng vẫn giao tiếp được với người bán hàng, được xem hàng trực tiếp... Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, loại hình bán hàng này cũng có những bất cập.

Bên cạnh những ưu điểm, bán hàng qua kênh livestream cũng tồn tại không ít bất cập.

Thuận lợi nhưng tiềm ẩn rủi ro

Khác với cách thức kinh doanh online thông thường khi người bán hàng chỉ cần chụp hình sản phẩm, mô tả đặc điểm, tính năng, đăng giá và... chờ người mua liên hệ, thì hình thức bán hàng qua livestream khiến người mua có cảm giác như đang đứng trước quầy hàng, chủ động tiếp cận người bán, nghe người bán tư vấn và có sự hình dung khá rõ về sản phẩm mà mình định mua.

Chị Bùi Thu Hằng (phố Huế, quận Hai Bà Trưng) nhận xét: “Hình thức mua hàng qua kênh livestream khiến tôi yên tâm hơn so với mua hàng trên web. Trước đây, mua hàng qua các trang web, nguy cơ mua phải hàng không ưng ý là rất cao bởi qua ảnh không thể nhận biết được hình dáng thật của sản phẩm; với mặt hàng quần áo, nếu chỉ nhìn ảnh thì sẽ không biết được chất vải có tốt hay không, màu có đẹp như ảnh đăng trên mạng hay không”.

Livestream là một trong những phương thức của mô hình Social Commerce (thương mại điện tử tương tác) đang phổ biến trên thế giới. Đây là sự kết hợp giữa thương mại điện tử với các nền tảng mạng xã hội giúp tăng tính tương tác giữa người dùng và nhà bán hàng và giữa những người dùng với nhau, tạo điều kiện để người dùng chia sẻ, trao đổi về kinh nghiệm mua sắm online. Hình thức bán hàng qua kênh livestream có một lợi thế lớn, đó là lượng người tham gia một buổi livestream khá đông. Theo nhiều tiểu thương kinh doanh online, một buổi livestream thường đạt ít nhất vài trăm lượt xem; các chủ shop đã có kinh nghiệm “lên sóng” có thể đạt tới vài nghìn lượt xem. Đặc biệt, các livestream có người nổi tiếng trải nghiệm hoặc hướng dẫn sử dụng sản phẩm thì có thể đạt đến chục nghìn, trăm nghìn lượt xem. Chỉ với chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối Internet, người bán có thể tự tổ chức một buổi phát sóng có hàng trăm người tham gia, điều mà trước đây có nằm mơ họ cũng không bao giờ có được. Đó là lý do khiến ngày càng có nhiều người tổ chức bán hàng qua livestream.

Chị Hoàng Thu Vân (Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên) hào hứng: “Kiểu tương tác này giống như bán hàng trực tiếp ở chợ, mà số lượng khách cùng một lúc tiếp cận lớn hơn rất nhiều. Mình nghĩ đây là cách hiệu quả để tiếp cận khách hàng của các shop online”.

Tuy nhiên, chính sự phát triển “nóng”, thiếu kiểm soát nội dung, chất lượng từ các buổi livestream đã nảy sinh nhiều hệ lụy. Bất cứ thứ gì cũng có thể bán qua mạng nhưng chất lượng thì không ai kiểm soát.

Chị Nguyễn Thu Hoa (Khu ngoại giao đoàn, Cầu Giấy) từng đặt mua thịt lợn gác bếp của một cơ sở sản xuất tại Tây Bắc khi tham gia một buổi livestream có hàng nghìn người xem. Người bán vừa quảng cáo vừa xé miếng thịt ăn trực tiếp nên chị Hoa có cảm giác yên tâm. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, sản phẩm không giống như quảng cáo. Thịt rất khô, không có mùi thơm, xé ra cũng không có màu hồng như hình ảnh trên livestream, ăn vào thì bị đau bụng.

Đặc biệt, do bán hàng qua kênh livestream chỉ cần khách chọn mã hàng, để lại thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại dưới phần bình luận, chốt đơn là xong nên một số đối tượng lừa đảo lợi dụng điểm này, dùng số điện thoại khách hàng đã cung cấp dưới phần bình luận để giả danh chủ hàng gọi điện cho người mua để lừa đảo. Chị Vũ Thu Nga (Quan Hoa, Cầu Giấy) kể lại: “Có lần, tôi vào trang bán hàng quen thuộc để chọn, đặt mua vải may áo dài và có để lại số điện thoại. Đến sáng hôm sau, tôi nhận được điện thoại hỏi địa chỉ và báo nhận hàng. Tôi cũng thấy hơi lạ vì đơn hàng này giao quá nhanh, vì thường phải từ 2 - 3 ngày sau tôi mới nhận được hàng, nhưng tôi vẫn thanh toán. Sau khi kiểm tra hàng thì thấy xấp vải có chất lượng rất tồi, tôi đã liên lạc ngay với nơi bán hàng thì được biết đơn hàng của tôi đang trên đường giao, khoảng 2 ngày sau mới đến, lúc ấy mới biết là mình bị lừa”.

Tương tự, tại nhiều tài khoản livestream khác, rất nhiều sản phẩm nổi tiếng lại có giá rẻ nhưng chất lượng sản phẩm bán ra không có một cơ quan, tổ chức nào đứng ra đảm bảo. Nhiều người lợi dụng sự nhộm nhoạm của thị trường livetream để tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo những nhãn hiệu nổi tiếng với mức giá rẻ. Chưa kể, không ít streamer đã dùng thủ đoạn lừa gạt khách hàng như dùng hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng khi livestream, nhưng lại giao hàng giả, hàng nhái, không có nguồn gốc, chứng từ hay dùng thủ thuật “chốt đơn ảo”, “chim mồi”... nhằm tăng lòng tin với khách hàng.

Cần khuyến khích livestream “sạch”

Thực trạng trên cho thấy các “khoảng trống” pháp lý của kênh bán hàng qua livestream. Đa số người kinh doanh online đều mong muốn các “khoảng trống” này được “lấp đầy” nhanh chóng để tránh “loạn livestream”, góp phần tạo sự minh bạch, tăng niềm tin của khách hàng đối với hình thức bán hàng này.

Thường xuyên livestream bán hàng, chị Nguyễn Thu Hương, chủ một cơ sở bán yến tại Hà Nội bày tỏ: “Dù hình thức kinh doanh này có nhiều lỗ hổng nhưng xét cho cùng, với những người kinh doanh online như chúng tôi nó vẫn có nhiều ưu điểm. Nếu không được livestream nữa thì rất thiệt thòi cho những người bán hàng online nhỏ lẻ”.

Theo luật sư Nguyễn Đào Tơ, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), livestream thực chất chỉ là một trong những phương thức bán hàng mà chủ tài khoản đã lựa chọn để tăng doanh số. Pháp luật không cấm điều này. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng các khe hở của việc quản lý nội dung đăng tải lên mạng xã hội Facebook để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật thương mại (cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi không đúng quy định pháp luật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ)... Số lượng người dùng quá lớn nên số bài đăng (livestream) mà không được kiểm duyệt nội dung tràn lan trên mạng xã hội. Luật sư Nguyễn Đào Tơ nhận định, quyền kiểm soát về nội dung đã nằm hoàn toàn trong phạm vi quản lý của nhà cung cấp dịch vụ, tuy nhiên, với vai trò là một nhà kinh doanh thì Facebook chưa bao quát và chưa có cơ chế khắt khe trong việc kiểm duyệt nội dung bài đăng về hàng hóa, sản phẩm của người sử dụng dịch vụ, hoặc không có khả năng kiểm duyệt.

Để giải quyết vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Đào Tơ, đầu tiên cần khẳng định mọi người đều được sử dụng tính năng livestream; tuy nhiên, hành vi, lời nói của người sử dụng dịch vụ này cần phải được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Mỗi người có quyền chọn lựa cách hành xử và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình nếu điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích kinh tế, sức khỏe của cá nhân hay tổ chức nào đó. Cơ quan quản lý nhà nước nếu nhận thấy người bán hàng vi phạm thì sẽ can thiệp bằng việc gửi yêu cầu để Facebook thực hiện các biện pháp ngăn chặn đối với tài khoản người sử dụng. Với sự phối hợp cũng như phân định quyền và nghĩa vụ của mỗi tổ chức có quyền tác động đến tài khoản người sử dụng mạng xã hội, tương lai gần, tin rằng việc ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật thông qua hình thức bán hàng livestream sẽ thu được hiệu quả lớn hơn.

Khánh Linh