Tăng cường kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:23, 17/11/2021
Tái phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Những ngày này, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi tái phát và diễn biến phức tạp.
Theo ông Nguyễn Văn Thạch, chủ hộ chăn nuôi ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), do bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại trang trại của gia đình, các lực lượng chức năng phải tiêu hủy 11 con lợn thương phẩm, tổng trọng lượng 647kg... Tương tự, bà Vũ Thị Oanh ở xã Chu Minh (huyện Ba Vì) cho hay, từ đầu tháng 10-2021 dịch bệnh tái phát, trang trại đã phải tiêu hủy 28 con lợn (100-130kg/con), trong chuồng còn nuôi gần 200 con lợn, nguy cơ mất trắng là rất cao…
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho biết, thời điểm hiện tại, tổng đàn lợn của huyện là gần 298.000 con. Trong đó, chăn nuôi tại các hộ gia đình là hơn 254.000 con, còn tại các trang trại là hơn 43.000 con. Đầu tháng 10-2021, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã tái phát trên địa bàn huyện Ba Vì, đầu tiên ở hai xã Chu Minh và Tản Hồng, rồi lây lan ra 14 xã; số lợn phải tiêu hủy lên tới 896 con, tổng trọng là 37.865kg. Dịch bùng phát là do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư còn cao (hơn 60%), nhiều hộ chăn nuôi chưa bảo đảm công tác vệ sinh chuồng trại, an toàn dịch bệnh.
Chia sẻ cách nhìn nhận này, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên nhân bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại trong thời gian gần đây là do người dân ở một số địa phương vẫn nuôi lợn theo phương thức truyền thống. Việc này không chỉ khiến dịch bệnh lây lan nhanh mà còn gây khó khăn trong công tác chống dịch. Mặt khác, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Việc đăng ký kê khai tái đàn chậm cũng tác động đến công tác quản lý vật nuôi…
Đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh
Theo nhận định của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ nay đến cuối năm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, như: Cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi... là rất lớn, khi việc buôn bán, vận chuyển các sản phẩm động vật tăng mạnh.
Để ứng phó hiệu quả với diễn biến mới của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ông Khổng Văn Hưng, chủ trang trại ở xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn) đề xuất, bên cạnh những khuyến cáo về dịch bệnh, chính quyền địa phương cần hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhập con giống ở những cơ sở có uy tín. Và khi tái đàn, các hộ cần thông tin tới cấp có trách nhiệm để nắm bắt số lượng đàn nhập mới, chủ động các giải pháp phòng, chống, xử lý dịch bệnh.
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu thông tin, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn khẩn trương thống kê, rà soát, nắm bắt tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi; chủ động phát hiện các hiện tượng động vật ốm, chết bất thường, tiến hành khống chế, bao vây dập dịch kịp thời, không để lây lan diện rộng.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã yêu cầu các địa phương khuyến cáo người dân nên bình tĩnh để tiếp tục duy trì đàn gia súc, gia cầm; tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra việc chấp hành các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tái đàn… Những trường hợp tái đàn không báo cáo với chính quyền địa phương, làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, khẩn trương bổ sung vắc xin, tổ chức tiêm phòng bảo đảm tối thiểu cho 80% tổng đàn vật nuôi.
Cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi có thể bùng phát trở lại, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, Cục Thú y đã đề nghị nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại những nơi đã từng xuất hiện dịch bệnh, các khu vực có nguy cơ cao để cảnh báo, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo với chính quyền địa phương dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho cộng đồng. Mặt khác, các địa phương cần tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng để tiêu diệt các mầm bệnh ở môi trường, nhất là những nơi có mật độ chăn nuôi cao; đồng thời có biện pháp ngăn chặn các loài truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, không để dịch bệnh lây lan.