Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đổi mới hoạt động của Quốc hội đồng thời trên cả 3 lĩnh vực, vì quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp
Chính trị - Ngày đăng : 15:56, 17/11/2021
Cùng tham dự có Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên...
Tăng cường thiết chế cho công nhân và người lao động
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Hải Phòng nhất trí cao với báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp trong điều kiện còn nhiều khó khăn, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống, tâm tư tình cảm của nhân dân cả nước, song kỳ họp rất thành công, cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Các nội dung quyết nghị tạo được sự đồng thuận của nhân dân; nhất là chủ trương điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch từ “Không Covid” sang hình thức “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và các mục tiêu giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022”…
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các cử tri phát biểu nhiều ý kiến phong phú, sâu rộng, liên quan nhiều lĩnh vực; cho rằng, sự đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ hai của Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cũng chính là sự gửi gắm, kỳ vọng của cử tri nói chung để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động.
Chia sẻ ý kiến của cử tri Phạm Thành Văn về vấn đề tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh lại tinh thần trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm mọi quyết sách đều vì quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Trả lời ý kiến của cử tri Nguyễn Khánh Chi, phường Đông Hải 2, quận Hải An về tăng cường các thiết chế cho công nhân và người lao động, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, qua đợt dịch Covid-19 nổi lên đây là vấn đề quan trọng. Qua chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai vừa qua, trong mấy đợt dịch, có hàng triệu người lao động đã rời thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Để khắc phục tình trạng này, gói hỗ trợ, kích thích kinh tế tới đây, các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ bàn để trình Quốc hội có một phần hỗ trợ chương trình cải tạo chung cư cũ và xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế cho người lao động. Có thể có chương trình hỗ trợ lãi suất; ngân hàng có thể có gói cho vay tái cấp vốn để phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà cho người thu nhập thấp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những bài học “nằm lòng” là phải gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa. Hải An là quận mới nên ngay từ đầu, cần gắn kết phát triển đô thị với kinh tế đô thị; phát triển đô thị phải gắn với công nghiệp hóa. Nếu công nghiệp hóa đi nhanh hơn đô thị hóa thì sẽ có tình trạng không có thiết chế văn hóa, không có thiết chế nhà ở xã hội cho người lao động. Nhưng nếu đô thị hóa nhanh hơn công nghiệp hóa thì sẽ xuất hiện biệt thự, nhà ở bỏ không, thậm chí có thị trấn, thị tứ không có người ở.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề cập rất kỹ vấn đề này. Phát triển đô thị không gắn với kinh tế đô thị sẽ không tạo ra giá trị gia tăng. Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Đề án về phát triển đô thị và kinh tế đô thị; rồi sau đó triển khai, nhân rộng và ban hành Nghị quyết của Trung ương. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, một trong những thành tố được nhấn rất mạnh là bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách về tam nông, phải chú trọng phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị. Bởi vì đô thị và kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng của thế giới, 75% tăng trưởng trên thế giới từ kinh tế đô thị.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quận Hải An lưu ý nội dung này để có thể có cơ sở, nguồn thu từ kinh tế đô thị. Hải Phòng nói chung và quận Hải An phải tính sớm vấn đề này. Khu công nghiệp thì phải có đô thị, phải có thiết chế nhà ở, thiết chế văn hóa, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo…
Cho rằng Hải Phòng còn là trung tâm lao động, công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết phát triển đô thị với kinh tế đô thị áp vào thực tế của Hải Phòng, của quận Hải An, do đó, địa phương càng làm sớm càng bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, người lao động. Hải Phòng nghiên cứu có đề án liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để có thể đề xuất với Trung ương, Chính phủ trong gói hỗ trợ lãi suất, cũng như gói liên quan đến chung cư.
Để Hải Phòng phát triển nhanh và bền vững hơn
Về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, cử tri quận Hải An cho rằng, đây là nội dung cử tri và nhân dân thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm và rất phấn khởi. Hải Phòng được Bộ Chính trị ban hành hai Nghị quyết gồm: Nghị quyết số 32-NQ/TƯ ngày 5-8-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết 45/NQ/TƯ ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hai Nghị quyết này đều định hướng cho Hải Phòng nghiên cứu thực hiện một số cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù; và đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, định hướng trên được hiện thực bằng một văn bản quy phạm pháp luật.
Chia sẻ ý kiến với cử tri, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ Nghị quyết 32 tới Nghị quyết 45 có sự thay đổi rất lớn. Nghị quyết 32 coi Hải Phòng là một cực tăng trưởng trong tam giác phát triển Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng; Nghị quyết 45 đã đặt Hải Phòng ở một tầm vóc khác khi coi đây là động lực tăng trưởng của vùng Bắc Bộ và cả nước; sớm hiện đại hóa, công nghiệp hóa thành phố Hải Phòng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á.
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép Hải Phòng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù (cùng với 3 địa phương khác là Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế ) để Hải Phòng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tạo sự lan tỏa vùng, miền, đồng thời, cũng tạo tiền đề để tổng kết, nghiên cứu, áp dụng cho các địa phương khác.
Nguyên tắc tối thượng là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với kiến nghị của cử tri Phạm Sỹ Tuyên về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tổng kết kinh nghiệm, bài học trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch. Trong chiến lược tổng thể có kế hoạch phân bổ, sử dụng vắc xin nói chung và cho trẻ em nói riêng để sớm đưa trẻ em trở lại trường học; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của cử tri về sớm triển khai xây dựng tuyến đường sắt vận tải hàng hóa và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện giai đoạn 2 (đường sắt và cầu dân sinh Tân Vũ - Lạch Huyện 2); tạo điều kiện để 2 bến cảng số 1+2 hiện có cũng như các bến cảng số 3+4 và 5+6 được hoàn thiện các thủ tục và doanh nghiệp có thể triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động sớm nhất, đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng; huy động các nguồn lực sớm xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển vận tải thủy nội địa, tận dụng tốt điều kiện sông ngòi tự nhiên, tiết giảm chi phí logistics cũng như giảm tải cho vận tải đường bộ, tránh ùn tắc, giảm tai nạn giao thông cũng như tiết kiệm chi phí logistics cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chi phí xây dựng, duy tu bảo dưỡng cầu đường…
Cho rằng đây đều là những kiến nghị hết sức xác đáng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến cử tri để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét, giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với các kiến nghị, đề xuất khác của cử tri, đề nghị HĐND, UBND thành phố Hải Phòng ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội tiếp thu những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng sẽ kiến nghị để Chính phủ giải quyết.
Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với cử tri quận Hải An về việc đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội được tiến hành đồng thời trên cả 3 lĩnh vực hiến định là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia; trong công tác ngoại giao nghị viện.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, công tác dân nguyện trước đây chỉ được báo cáo tại kỳ họp của Quốc hội mỗi năm hai lần, nhưng hiện nay đã được báo cáo hằng tháng tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan khối nội chính, tạo ra sự chuyển biến rất tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chia sẻ về những đổi mới tại kỳ họp Quốc hội, trong đó có thực hiện thành công việc họp trực tuyến, bao gồm cả việc chia tổ thảo luận. Cũng nhờ cải tiến này, hoạt động thảo luận tại tổ chưa bao giờ có nhiều ý kiến thảo luận như vậy, chỉ trong 8 phiên thảo luận tổ, đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu. Trong hoạt động thảo luận tại tổ, công tác thư ký cũng có sự cải tiến. Nhờ vậy, hoạt động thảo luận tại hội trường chỉ còn tập trung vào các nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau, qua đó góp phần rút ngắn được thời gian họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao đổi về một số định hướng lớn trong tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới; về kỳ họp thứ hai được rút ngắn thời gian nhưng trên “nguyên tắc tối thượng là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động”.