Đưa quan hệ Hà Nội - Viêng Chăn đi vào chiều sâu một cách thiết thực và hiệu quả hơn
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:43, 17/11/2021
Tham dự hội đàm có Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Trương Quan Hoài Nam, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; đồng chí Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội; đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Hải Trung, Trung tướng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.
Tại hội đàm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Lào là mối quan hệ đặc biệt và hiếm có trong lịch sử thế giới, không chỉ là quan hệ giữa hai quốc gia, hai dân tộc mà còn là sự gắn bó keo sơn giữa những người đồng chí cách mạng cùng chung vận mệnh, đã đồng cam cộng khổ, vui buồn có nhau. Phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn trân trọng, tự hào và luôn nỗ lực để không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ đặc biệt, thủy chung trong sáng với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và nhân dân các bộ tộc Lào, cũng như đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương của Lào, đặc biệt là Thủ đô Viêng Chăn. Trong quan hệ hợp tác với thủ đô Viêng Chăn của Lào, thành phố Hà Nội vui mừng và tự hào đánh giá mối quan hệ hợp tác giữa hai Thủ đô luôn được tăng cường và phát triển toàn diện trên tất cả các kênh, với nhiều dự án hiệu quả trên hầu hết các lĩnh vực.
Giới thiệu tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nội trong thời gian gần đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với vai trò là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, Thủ đô Hà Nội luôn nỗ lực phát huy tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo và đã đạt nhiều thành tựu tích cực, toàn diện. Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, ước khoảng 7,39%, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, bằng 1,8 lần cả nước. Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Hà Nội hiện đứng thứ 2 trên toàn quốc, chiếm 19,42% tổng số dự án, 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và 8,4% tổng vốn giải ngân so với cả nước. Năm 2020, Hà Nội đứng thứ 3 toàn quốc (sau thành phố Hồ Chí Minh và Bạc Liêu).
Trong 10 tháng năm 2021, Hà Nội thu hút được khoảng 1,28 tỷ USD, dự kiến hết năm 2021, được khoảng 2 tỷ USD. Hà Nội hiện đóng góp cho cả nước khoảng trên 16% GDP... Trong 9 tháng đầu 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của thành phố, tuy nhiên, GRDP của thành phố vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong giai đoạn tới, chính quyền thành phố hướng tới mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố "Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại", xây dựng thành phố thông minh, giữ vững danh hiệu Thành phố vì hòa bình, duy trì tốc độ phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Chính quyền thành phố Hà Nội luôn kiên định với mục tiêu lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm để phục vụ, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, thành phố Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung đang phải chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đợt thứ 4 diễn biến rất phức tạp. Hà Nội đã bám sát thực hiện 5 nhóm mục tiêu xuyên suốt là nâng cao năng lực y tế Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch; kiên trì thực hiện khoanh vùng hẹp, xét nghiệm nhanh, truy vết thần tốc, cách ly tập trung, phân tầng điều trị ngay từ đầu; bảo đảm an sinh xã hội cho người dân; bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa và bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Với những nỗ lực đó, trước mắt, Hà Nội cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, đưa Thủ đô Hà Nội trở lại trạng thái bình thường trong tình hình mới.
Hà Nội đang tập trung tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân. Tuy nhiên, do nguồn vắc xin còn hạn hẹp, nên đến nay, Hà Nội mới tiêm mũi 1 cho khoảng 92% dân số trên 18 tuổi; tiêm mũi 2 được 54% dân số trên 18 tuổi. Riêng trẻ em dưới 18 tuổi chưa có vắc xin để tiêm. Đây là một khó khăn rất lớn cho thành phố trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Mặc dù có mạng lưới quan hệ quốc tế rộng khắp với nhiều thành phố lớn trên thế giới nhưng thành phố Hà Nội luôn dành ưu tiên cao trong phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương của Lào, đặc biệt là thủ đô Viêng Chăn, qua đó góp phần củng cố và tăng cường quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Mối quan hệ hợp tác giữa hai Thủ đô nói riêng và giữa Hà Nội với các địa phương của Lào nói chung thời gian qua đã không ngừng được thắt chặt, phát triển toàn diện trên tất cả các kênh, với nhiều dự án hiệu quả trên hầu hết các lĩnh vực như kinh tế, y tế, giáo dục, nông nghiệp, quân sự, giao lưu nhân dân.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị: Hai bên tiếp tục tăng cường tiếp xúc, giao lưu đối ngoại ở tất cả các cấp; tập trung đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực đã triển khai và có hiệu quả tích cực như nông nghiệp, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội; nghiên cứu đổi mới phương thức và tích cực thực hiện các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên quan tâm, như: Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cấp địa phương, công tác giám sát và kiểm tra cơ quan hành chính, công tác xây dựng chính quyền điện tử và quy hoạch, quản lý đô thị; nghiên cứu triển khai các giải pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp hai bên; thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và củng cố tình cảm hữu nghị; nghiên cứu, xem xét thực hiện việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương giai đoạn mới làm khuôn khổ cho các hoạt động hợp tác giữa hai thủ đô trong thời gian tới. Trong quá trình thực hiện các hoạt động hợp tác, nếu thấy cần thiết, xem xét ký kết các thỏa thuận hợp tác chuyên đề với tiến độ và nội dung cụ thể để bảo đảm tính chủ động trong quá trình triển khai hợp tác.
Bí thư Thành ủy Viêng Chăn Anouphap Tounalom cho biết, về kinh tế, trong 9 tháng năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 5,58%, thu nhập bình quân đầu người đạt 6.170 USD/năm. Ngành Nông nghiệp chiếm 49,57% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ngành công nghiệp chiếm 14,46% GDP, ngành dịch vụ chiếm 35,97% GDP. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ngành kinh tế phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đánh giá về tình hình hợp tác giữa hai Thủ đô trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Viêng Chăn Anouphap Tounalom cảm ơn Hà Nội đã hỗ trợ Viêng Chăn xây dựng đề án phát triển về nông nghiệp. Đây là đề án mang lại nhiều giá trị thực tế và hiệu quả cao. Bí thư Thành ủy Viêng Chăn Anouphap Tounalom thống nhất cao với những nội dung hợp tác mà Bí thư Thành ủy Hà Nội đề cập, đồng thời mong muốn hai Thủ đô tiếp tục triển khai xây dựng Trung tâm thương mại và du lịch Hà Nội tại Viêng Chăn và Viêng Chăn tại Hà Nội; hợp tác trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; công tác phòng, chống tội phạm ma túy; trao đổi kinh nghiệm trong phân cấp quản lý kinh tế xã hội, giới thiệu cán bộ ứng cử... Bí thư Thành ủy Viêng Chăn Anouphap Tounalom cũng mong muốn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội hỗ trợ dự án xây dựng nhà ở xã hội, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 cũng như cử các chuyên gia y tế sang học tập lẫn nhau.
Cũng tại buổi hội đàm, đại diện các sở, ngành liên quan của hai Thủ đô đã trao đổi kinh nghiệm, thảo luận một số giải pháp để tăng cường hợp tác, giải quyết những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Kết luận hội đàm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, ý kiến trao đổi của các cơ quan cho thấy, các đơn vị đã bám sát các trọng tâm trong chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào do Đảng, Nhà nước Việt Nam, Lào phê duyệt. Các đơn vị cũng đã chủ động đề xuất tìm kiếm hình thức triển khai hợp tác mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm các dự án hợp tác đã ký kết không bị gián đoạn, cho thấy nhu cầu và mong muốn hợp tác của cả hai bên. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng hy vọng, những kết quả trao đổi tại hội đàm sẽ tạo khuôn khổ tốt đẹp cho các cơ quan, đơn vị của hai bên tiếp tục những chương trình, dự án hợp tác cụ thể trong thời gian tới. Qua đó, không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho hai thành phố, đồng thời tiếp tục đóng góp vào việc củng cố, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.