Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo

Giáo dục - Ngày đăng : 13:23, 18/11/2021

(HNMO) - Ngày 18-11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về hội thảo giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”. Hội thảo năm nay do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào ngày 21-11-2021.

Quang cảnh cuộc gặp mặt báo chí.

Hội thảo giáo dục là sự kiện thường niên được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức từ năm 2017, nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; làm rõ hơn cơ sở lý luận, thực tiễn, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để việc tổ chức thực hiện hiệu quả. Mỗi năm, hội thảo có chủ đề riêng, bám sát thực tế và phản ánh những vấn đề quan trọng của ngành Giáo dục.

Lý giải về việc chọn chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” cho hội thảo giáo dục năm nay, đại diện Ban tổ chức cho rằng, việc xây dựng văn hóa học đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” xác định mục tiêu: Phát triển toàn diện con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Văn hóa học đường chính là nền tảng để rèn luyện, hoàn thiện những phẩm chất ấy cho thế hệ trẻ.

Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, hội thảo sẽ được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, dự kiến có hơn 300 đại biểu tham dự. Hội thảo gồm hai phiên: Phiên chung trình bày thực trạng văn hóa học đường từ góc nhìn của các cơ quan quản lý nhà nước; ý kiến của một số chuyên gia; những thách thức và kiến nghị chính sách, giải pháp xây dựng văn hóa học đường tại Việt Nam...; phiên chuyên đề dành cho việc thảo luận ba nhóm nội dung: Văn hóa học đường nhìn từ các mối quan hệ bên trong nhà trường; văn hóa học đường trong mối quan hệ với các yếu tố tác động bên ngoài nhà trường và văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Thống Nhất