Nhân rộng mô hình phòng cháy hiệu quả
Đời sống - Ngày đăng : 06:16, 19/11/2021
Phát huy hiệu quả
Xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) có nghề mộc truyền thống, nhiều gia đình mở xưởng sản xuất ngay tại nhà nên tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Trước thực tế đó, cách đây hơn 3 năm, Công an huyện Thường Tín đã tổ chức Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phản ứng nhanh, đồng thời xây dựng mô hình “Cụm dân cư bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy”. Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín thông tin, 30 thành viên của Đội gồm người dân trên địa bàn có nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật phòng cháy, chữa cháy và khi xảy ra sự cố cháy, nổ sẽ dùng bình cứu hỏa, vòi phun nước tại chỗ để dập cháy, cứu nạn. Hằng tháng, Đội được tập huấn, trao đổi nghiệp vụ và hằng năm được tham gia diễn tập với các lực lượng chuyên nghiệp. Nhờ đó, trên địa bàn xã Vạn Điểm những năm qua hầu như không xảy ra cháy lớn.
Là một trong những mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn thành phố, đến nay, Đội Phòng cháy, chữa cháy cơ động, tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) có 27 thành viên, được trang bị nhiều kỹ năng và nghiệp vụ chữa cháy. Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Tống Xuân Duy cho biết, ra đời từ cuối năm 2016 với hơn 10 thành viên, đến nay Đội Phòng cháy, chữa cháy cơ động, tình nguyện của phường góp phần tích cực giúp địa bàn không xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng… Anh Đào Duy Vương (Đội Phòng cháy, chữa cháy cơ động, tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu) cho biết, thành viên trong Đội được đào tạo, tập huấn các kỹ năng chữa cháy chuyên nghiệp để phổ biến trong cộng đồng dân cư. Nhờ đó, khi xảy ra cháy, khả năng ứng phó tốt ngay từ đầu đã giúp giảm đáng kể thiệt hại.
Còn ở phường Việt Hưng (quận Long Biên), với phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy”, 250 hộ có nhà ở kết hợp kinh doanh ngoài việc tự trang bị đủ các thiết bị chữa cháy tại chỗ còn tích cực tham gia tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng, góp phần ngăn chặn cháy, nổ từ sớm.
Chị Nguyễn Thị Dung (phường Việt Hưng) cho biết, sau tập huấn đã có được kỹ năng xử lý tình huống cháy ban đầu, đồng thời tuyên truyền tới thành viên trong gia đình cùng thực hiện.
Nhân rộng mô hình phù hợp thực tế
Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, điểm chung của các mô hình trên là đã phát huy hiệu quả rõ nét. Trong đó, tổ, đội phòng cháy, chữa cháy do chính quyền cơ sở thành lập đều được trang bị bình chữa cháy, xô múc nước, xẻng, xà beng, kìm cộng lực… sẵn sàng cứu hộ trong các tình huống khẩn cấp, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống “giặc lửa” cùng lực lượng chuyên nghiệp. “Công an thành phố Hà Nội căn cứ tình hình cụ thể từng địa bàn để khuyến khích thành lập các đội phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở”, Đại tá Trần Ngọc Dương nói.
Mới đây nhất, ngày 11-11, Công an huyện Thạch Thất đã ra mắt Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lưu động tại làng nghề xã Hữu Bằng. Tham gia đội có hơn 120 thành viên. Đội cũng được trang bị 3 xe cứu hỏa tự chế với đầy đủ tính năng máy bơm cao áp, vòi rồng, thang…
Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, làng nghề xã Hữu Bằng là nơi tập trung nhiều nhà xưởng sản xuất đồ gỗ và cơ khí, với nhiều vật liệu dễ cháy. Trung bình hằng năm ở xã xảy ra từ 6 đến 10 vụ cháy lớn, nhỏ. Chính vì thế, việc chính thức thành lập tổ chữa cháy lưu động giúp bà con yên tâm sản xuất, kinh doanh. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp cùng lực lượng công an phát huy mô hình chữa cháy tại chỗ ở các làng nghề. Trước mắt, sẽ tạo điều kiện cho cả 9 thôn trong xã Hữu Bằng đều có xe chữa cháy nhỏ tự chế với công suất 1,2m3 nước/xe”, ông Nguyễn Mạnh Hồng thông tin thêm.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, UBND quận vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện mô hình “Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2021. Trong đó, quận vận động người dân dỡ bỏ, mở cửa thoát nạn trên “chuồng cọp” và tự trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại gia đình. Quận phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ đạt 100% hộ gia đình có “chuồng cọp” được mở lối thoát hiểm thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn.
Rõ ràng, để công tác phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả cao, giảm thiệt hại tối đa khi xảy ra cháy thì việc nghiên cứu, nhân rộng mô hình phù hợp thực tế cơ sở là rất cần thiết. Ngoài ra, chính quyền cơ sở cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho các tầng lớp nhân dân, nhất là kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn quản lý…