Sớm gỡ vướng, thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân
Bất động sản - Ngày đăng : 15:08, 19/11/2021
Tọa đàm diễn ra sáng nay (19-11) tại trụ sở Bộ Xây dựng (Hà Nội) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 10 điểm cầu trên cả nước, gồm các địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng...
Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng cho biết, Việt Nam có trên 16 triệu công nhân, hằng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra hơn 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đời sống người lao động còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua đã bộc lộ đầy đủ hơn vấn đề bức xúc của công nhân lao động, trong đó có nhà ở. Thực tế, nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở nên công nhân phải đi thuê trọ, nơi ở chật chội, đông đúc, điều kiện sống và sinh hoạt không bảo đảm.
Về kết quả xây dựng nhà ở cho công nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng thông tin, đến cuối tháng 9-2021, cả nước đã đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp (khoảng 54.000 căn hộ, tương ứng 2,7 triệu m2) và đang tiếp tục triển khai 100 dự án (khoảng 134.000 căn, 6,7 triệu m2). Kết quả này chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó phấn đấu đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
Ông Hà Quang Hưng lý giải, nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lực hỗ trợ. Trong giai đoạn 2016- 2020 chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng (chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020) để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) Phạm Văn Ân chia sẻ, mặc dù Nhà nước có chính sách ưu đãi phát triển nhà ở công nhân như với phát triển nhà ở xã hội, song do giới hạn về lợi nhuận, đối tượng khách hàng, yêu cầu bắt buộc bố trí 20% căn hộ dành cho thuê... khiến phân khúc này không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Đề xuất các giải pháp tháo gỡ
Để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Shinec - chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho rằng, bên cạnh các quy định về luật pháp, quy hoạch xác định rõ xây dựng nhà ở công nhân phải có tiện ích hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng; thì cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, nhất là về tín dụng để "trợ lực" cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư làm các dự án nhà ở công nhân.
Ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang kiến nghị sửa đổi Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế theo hướng khi quy hoạch khu công nghiệp phải quy hoạch đồng bộ khu dịch vụ để dành đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, trong đó phải đáp ứng tối thiểu chỗ ở cho 50% số công nhân trong khu công nghiệp đó.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương Tăng Bá Bay nêu giải pháp buộc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp có trách nhiệm đầu tư khu nhà ở công nhân và coi khu nhà ở cho công nhân tương tự như hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp mà chủ đầu tư thực hiện. Bên cạnh đó, có cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư trong thực hiện giải phóng mặt bằng (nếu có), ưu đãi về nguồn vốn...
Trong khi đó, PGS.TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần đưa danh mục phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư loại hình nhà ở này; đồng thời, khi phát triển các khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh, phải tính đến việc bố trí nhà ở cho công nhân và các thiết chế xã hội liên quan...
Những kiến nghị của các sở, ngành, các chuyên gia, các doanh nghiệp... sẽ được tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhằm kiến nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới.