Những bước chân không mỏi...
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 20/11/2021
Hiểu được lòng dân
Như nhiều vùng quê khác, những năm trước đây, khi đêm đến, đường làng thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) rất tối khiến việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, khi xã và thôn có chủ trương lắp điện chiếu sáng thì không ít người lại phản đối. Với vai trò là thành viên Ban Công tác Mặt trận thôn Thường Lệ, bà Nguyễn Thị Nhàn đã cùng địa phương vào cuộc nắm bắt tâm tư của người dân. Nguyên nhân được làm rõ là do nhiều người dân còn e ngại việc phải đóng góp kinh phí mà chưa thấy hết cái lợi khi đi lại thuận tiện, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự...
“Trước tiên, tôi tới từng nhà đảng viên, rồi đến các hộ nằm dọc trục đường thôn Thường Lệ để giải thích và vận động”, bà Nguyễn Thị Nhàn chia sẻ. Chỉ sau một thời gian ngắn, các hộ dân đã đồng thuận, cùng đóng góp kinh phí lắp hệ thống chiếu sáng ở các trục đường. Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Thường Lệ cho biết: “Nhờ sự kiên trì của bà Nhàn, thôn chúng tôi đã văn minh, sáng đẹp hơn rất nhiều”.
Tận tụy trong công việc nên ông Đỗ Văn Thái, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận số 1, phường Bưởi (quận Tây Hồ) thường xuyên vắng nhà. Giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, có khi cả tháng trời ông ra khỏi nhà từ sáng đến tối mới trở về. Nhờ sự vào cuộc của ông và các thành viên Ban Công tác Mặt trận số 1, tổ Covid-19 cộng đồng của địa phương đã huy động được hơn 120 lượt người tham gia trực chốt bảo vệ “vùng xanh”, kêu gọi ủng hộ hơn 2 tấn gạo, 200 thùng mì tôm cùng nhiều nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
“Từng là cán bộ công an về nghỉ hưu nên tôi hiểu công tác Mặt trận phải nhận được sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân. Tranh thủ thời gian rỗi, tôi thường đến các hộ dân trò chuyện để bà con tin tưởng, giãi bày khi có thắc mắc, vướng bận”, ông Đỗ Văn Thái chia sẻ.
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên) Vũ Văn Nam thường xuyên có mặt tại các điểm chốt kiểm soát dịch, vừa để động viên lực lượng tham gia trực vừa nắm bắt tâm tư của nhân dân. Ông Vũ Văn Nam chia sẻ: “Cái khó trong công tác Mặt trận là phải kiên trì, gần dân để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Có như vậy mới tham mưu được với cấp ủy hướng giải quyết thấu tình, đạt lý, không để những mâu thuẫn, thắc mắc của người dân âm ỉ”. Được nhân dân tin tưởng nên từ năm 2015 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phúc Tiến đã huy động nhân dân đóng góp được hơn 10 tỷ đồng hoàn thành gần 30km đường bê tông thôn, xóm, 12,5km kênh mương nội đồng, xây mới 5 nhà văn hóa thôn…
Vì những khu dân cư bình yên
Những ngày thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, một số tổ chức tôn giáo trên địa bàn xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) vẫn huy động giáo dân đến sinh hoạt vào ngày cuối tuần, có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nắm được thông tin từ cán bộ Mặt trận cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thường Tín đã báo cáo lãnh đạo huyện vào cuộc chỉ đạo sát sao, không để việc tập trung đông người diễn ra. “Để giúp huyện giải quyết tình huống trên, công đầu thuộc về cán bộ Mặt trận cơ sở, bởi họ đã chuyển tải kịp thời thông tin đến chính quyền”, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết.
Thực tế cho thấy, qua kênh nắm bắt dư luận xã hội của Mặt trận, nhiều vấn đề dân sinh ở cơ sở đã được phản ánh kịp thời tới các cấp ủy Đảng, chính quyền để nhanh chóng tháo gỡ, xử lý. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Bắc Từ Liêm Văn Thúy Hoa chia sẻ: “Việc nắm bắt thông tin dư luận xã hội được quán triệt tới cấp phường, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư và thực hiện bằng nhiều hình thức như qua hội nghị tiếp xúc cử tri, các buổi sinh hoạt đoàn thể, tổ dân phố, đối thoại trực tiếp với nhân dân…”.
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thường Tín Lê Tuấn Dũng, 246 cộng tác viên dư luận xã hội các cấp của huyện Thường Tín đã chủ động nắm bắt những vấn đề dư luận nhân dân quan tâm, như: Đền bù, giải phóng mặt bằng; bảo đảm an ninh trật tự; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch Covid-19… Qua đó giúp cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết, không để phát sinh “điểm nóng”, bảo đảm ổn định tình hình nhân dân, đồng thuận xã hội.
Tại địa bàn quận Ba Đình, ngoài cán bộ Mặt trận, các cộng tác viên dư luận xã hội cũng rất nhiệt tình vào cuộc. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình Cao Thị Quế Hương chia sẻ: “Cộng tác viên dư luận xã hội của quận luôn duy trì 3 hình thức tiếp cận thông tin. Đó là bằng điện thoại, thư điện tử; trực tiếp bám địa bàn; kết nối mạng xã hội”.
Để Mặt trận thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, phản ánh với Đảng, Nhà nước, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã thực hiện đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Trong đó, đầu mối nắm bắt, cung cấp thông tin là Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư, chủ nhiệm các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, cộng tác viên dư luận xã hội. Hằng tháng, hằng quý, các thông tin được gửi về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để báo cáo với cấp ủy Đảng, chính quyền, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Có thể thấy, nắm bắt dư luận xã hội là yếu tố quan trọng giúp Mặt trận đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, thời gian tới, Mặt trận các cấp của thành phố sẽ chú trọng xây dựng mạng lưới nắm bắt, tổng hợp dư luận xã hội. Trong đó, sẽ lựa chọn người có uy tín, kiến thức, có khả năng thuyết phục. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả nắm bắt tâm tư của người dân, nhất là các vấn đề dân sinh bức xúc tác động đến người dân, trên cơ sở đó thực hiện tốt chức năng làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Trong quá trình nắm bắt, cán bộ Mặt trận và cộng tác viên dư luận xã hội xác định sẽ bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc điểm địa bàn, tính thời điểm và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền. Đặc biệt, đối với những vấn đề “nóng”, Mặt trận sẽ quan tâm đến tính kịp thời và định hướng đối với các luồng thông tin trái chiều.
Để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao ấy, những bước chân người cán bộ Mặt trận sẽ còn trải dài trên khắp các khu dân cư, tổ dân phố, thôn, làng của Thủ đô.