Bàn giải pháp tạo chuyển biến mạnh về văn hóa học đường
Giáo dục - Ngày đăng : 11:21, 21/11/2021
Hội thảo là sự kiện thường niên được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức từ năm 2017. Hội thảo năm nay gồm hai phiên. Phiên thứ nhất, tập trung nhận diện thực trạng văn hóa học đường; những chính sách xây dựng, phát triển văn hóa học đường tại Việt Nam. Phiên thứ hai, tập trung thảo luận về 3 nhóm vấn đề: Văn hóa học đường nhìn từ các mối quan hệ bên trong nhà trường; văn hóa học đường trong mối quan hệ với các yếu tố tác động bên ngoài nhà trường; văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước. Rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Văn hóa học đường chính là vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, có những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế.
Ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp xây dựng văn hóa học đường, như cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, tạo nên môi trường sư phạm lành mạnh, giáo dục ý thức kỹ năng sống cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học…
Nhận định về kết quả và một số vấn đề còn tồn tại của văn hóa học đường, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền cần xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch tăng cường hoạt động xây dựng văn hóa học đường… Tinh thần của hội thảo cần được lan tỏa, được thảo luận rộng rãi trong các nhà trường, được cụ thể hóa thành các hành động cụ thể để văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, là nền tảng tư tưởng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng của học sinh, sinh viên...
Có hơn 200 bài tham luận gửi tham dự hội thảo. Các tham luận và ý kiến của đại biểu trình bày tại hội thảo tập trung đánh giá, phân tích thực trạng văn hóa học đường, những mặt được, mặt chưa được, nguyên nhân… Các ý kiến quan tâm phân tích những biểu hiện, nguyên nhân của bệnh thành tích, vấn đề thiếu trung thực trong dạy học, đánh giá..., đồng thời, đề xuất giải pháp cụ thể đối với cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, nhà trường nhằm tạo sự chuyển động mạnh mẽ về văn hóa học đường trong mỗi nhà trường, mỗi nhà giáo và học sinh, sinh viên.
Với trách nhiệm quan trọng của ngành Giáo dục trong việc xây dựng, tạo chuyển biến mạnh về văn hóa học đường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh khẳng định, để khắc phục những tồn tại hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo quy định về xây dựng văn hóa học đường; bổ sung tài liệu giáo dục kỹ năng ứng xử cho học sinh, sinh viên; bảo đảm an toàn cho học sinh và an toàn thông tin trên môi trường mạng; giảm áp lực hành chính cho giáo viên, học sinh và khắc phục bệnh thành tích trong học tập, đánh giá; nâng cao năng lực phẩm chất của đội ngũ nhà giáo, phát huy vai trò nêu gương của thầy, cô giáo…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, những ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của đại biểu sẽ được tổng hợp, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở cho xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách về giáo dục và đào tạo nói chung, văn hóa học đường nói riêng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển đất nước trong trong giai đoạn mới.