Dẫn dắt, kích hoạt các nguồn vốn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 22/11/2021
Thực tế, đại dịch Covid-19 bắt đầu từ đầu năm 2020 đến nay và đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư từ cuối tháng 4-2021, đã “bào mòn sức khỏe” nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Việt Nam từ chỗ là số ít nền kinh tế trên thế giới có tăng trưởng dương trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, đã tăng trưởng âm trong tháng 9-2021. Vì vậy, một chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là điều cần thiết.
Theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn các quốc gia đều sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn để cứu nền kinh tế, thực hiện an sinh xã hội cho các đối tượng chịu tổn thương vì dịch bệnh và hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại, vượt qua khó khăn. Việt Nam cũng đã sử dụng nguồn lực ngân sách cùng các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ người lao động mất việc làm và hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng; trợ giúp các khu vực kinh tế chịu tổn thất lớn, cũng như củng cố khả năng ứng phó với dịch bệnh. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ, Quốc hội cũng đã thảo luận việc nâng trần nợ công để có nguồn lực đủ lớn cho phục hồi, phát triển kinh tế.
5 nhóm giải pháp được nêu tại dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gồm phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình phục hồi sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy đầu tư công, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; quản lý rủi ro, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế đều cần nguồn lực lớn. Song, do tiềm lực kinh tế của Nhà nước còn eo hẹp nên vấn đề quan trọng hơn là nguồn vốn nhà nước phải được sử dụng nhằm dẫn dắt và kích hoạt các nguồn vốn khác phục vụ hiệu quả cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nói cách khác, nguồn lực nhà nước sử dụng phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để không làm “đứt gãy” các hoạt động kinh tế - xã hội, không ai “bị bỏ lại phía sau”, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế… Thực tế cũng cho thấy, vốn đầu tư công được coi là “tiền đẻ ra tiền” khi tạo việc làm, thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất, tạo hiệu ứng lan tỏa với nền kinh tế và lâu dài là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và quốc gia. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đầu tư công là một trụ cột quan trọng trong chương trình hồi phục và phát triển kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đưa ra tính toán, trong 2 năm 2022-2023, nếu mỗi năm bỏ ra 20.000 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 4%/năm, sẽ huy động được khoảng 1 triệu tỷ đồng từ các nguồn lực khác mà không làm tăng bội chi ngân sách, nợ công.
Các nguồn lực nhà nước không chỉ là vốn từ ngân sách mà còn là các chính sách tài khóa kết hợp với tiền tệ. Nguồn vốn ngân sách được hướng tới những vấn đề cấp bách, trước mắt, những lĩnh vực có tính lan tỏa đối với nền kinh tế. Chính sách tài khóa, tiền tệ hướng tới những vấn đề có tính lâu dài, góp phần thúc đẩy các nguồn lực trong xã hội tham gia phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Sự kết hợp các nguồn lực đòi hỏi phải khéo léo để đạt mục tiêu đặt ra là tạo động lực mới cho phát triển nhưng phải bảo đảm nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cho ý kiến về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, chương trình phải tính tới các vấn đề lâu dài, gắn với thực hiện các đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế, không ngừng cải thiện đời sống của người dân. Sử dụng nguồn vốn nhà nước để kích hoạt các nguồn vốn khác là cách sử dụng hiệu quả nguồn lực cho mục tiêu đó.