Thành phố Hồ Chí Minh: Cần cơ chế đặc thù, vượt trội để phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 20/01/2023

(HNM) - Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TƯ ngày 30-12-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để triển khai thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết số 31-NQ/TƯ, rất cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và phân cấp cho thành phố Hồ Chí Minh thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của thành phố...

Nhà ga Suối Tiên, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

“Tắc“ do thiếu cơ chế

Thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đều không đạt tiến độ như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, một trong những nguyên nhân là có những yêu cầu điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án không thuộc thẩm quyền của thành phố, phải chờ ý kiến của các bộ, ngành trung ương. Dự án đầu tư xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa kết nối vào nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chậm tiến độ do vướng thủ tục bàn giao đất. Việc này cũng nằm ngoài thẩm quyền của thành phố Hồ Chí Minh do mặt bằng thuộc đất quốc phòng.

Bên cạnh vấn đề hạ tầng giao thông, vấn đề đất đai cũng bị tắc nghẽn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn các dự án có thu hồi đất đều bị vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, nguyên nhân là một số quy định của Trung ương về cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa phù hợp với tình hình thực tiễn; trong khi Chính phủ chưa phân cấp nên thành phố Hồ Chí Minh phải báo cáo xin ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương, khiến thời gian giải quyết kéo dài.

Hiện, thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện 3 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI với 51 chương trình, đề án. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, tiến độ một số chương trình, đề án còn chậm. Nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách muốn tháo gỡ nhưng liên quan tới nhiều luật chuyên ngành, vượt tầm thành phố. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để tạo đột phá, đòi hỏi thành phố phải nỗ lực nhiều hơn, đồng thời kiên trì kiến nghị Trung ương xử lý những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của thành phố.

Cần cơ chế vượt trội

Một trong những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 31-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững.

Đây là chủ trương, định hướng đúng đắn, kịp thời để thành phố Hồ Chí Minh phát triển bứt phá trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, để đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn trong giai đoạn mới, thành phố cần cơ chế vượt trội hơn so với các cơ chế, chính sách hiện có. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có nghị quyết toàn diện về thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra mục tiêu cụ thể và tầm nhìn mang tầm chiến lược. Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu đến năm 2030, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 14.500 USD/người (cao hơn gấp đôi so với hiện nay).

Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi thành phố Hồ Chí Minh phải huy động tối đa mọi nguồn lực, không chỉ dựa vào “xương sống” là những ngành kinh tế truyền thống, mà cần chuyển trọng tâm sang những ngành kinh tế mới, kinh tế số. “Để thực hiện điều này, thành phố cần đa dạng các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, có cơ chế hỗ trợ tiếp cận công nghệ mới, đổi mới sáng tạo; đặc biệt, cần chú trọng các ngành, lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình góp ý.

Còn Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Cành, cố vấn khoa học Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh không thiếu nhân lực cho sản xuất nhưng nhân lực cho nghiên cứu phát triển, tạo ra sản phẩm mới lại rất thiếu. Điều này đòi hỏi thành phố cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm hơn; phối hợp với các viện, trường đại học có liên kết đào tạo với nước ngoài để đào tạo nhân lực chất lượng cao tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo, tạo ra công nghệ mới.

Liên quan đến vấn đề hạ tầng, Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố hiện có rất nhiều dự án đầu tư hạ tầng đô thị, giao thông quy mô lớn, nên cần đề xuất Trung ương giao thẩm quyền lớn hơn cho thành phố trong quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; đối với những dự án cấp bách, giao quyền chỉ định thầu cũng như các thủ tục về giao đất, cho thuê đất.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, điều thành phố cần nhất lúc này là giải quyết được vướng mắc trên ba lĩnh vực “thể chế - hạ tầng - nhân lực”. “Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh sẽ bổ sung, hoàn chỉnh chương trình hành động theo tinh thần việc nào thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của thành phố Hồ Chí Minh thì quyết tâm làm; việc nào của cấp trên, thành phố chủ động đề xuất, phối hợp và kiên trì đeo bám để sớm đưa Nghị quyết số 31-NQ/TƯ của Bộ Chính trị vào cuộc sống có hiệu quả nhất”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Nguyễn Lê