Bài 4: Phát huy nguồn lực nội sinh

Văn hóa - Ngày đăng : 07:18, 22/11/2021

(HNM) - Bên cạnh việc chỉ ra những khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, Đảng ta cũng đề cập hàng loạt giải pháp. Những giải pháp này đồng bộ, xuyên suốt, bám sát mục tiêu “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là hết sức cần thiết.

Củng cố nền tảng tinh thần, xây dựng hệ giá trị quốc gia

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa “là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh”; “mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. Trong thời đại toàn cầu hóa, văn hóa chính là sợi dây liên kết các quốc gia, các dân tộc; văn hóa “dẫn đường” cho hội nhập kinh tế, khoa học - công nghệ và nhiều lĩnh vực khác.

Với tinh thần đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, gồm: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Đi kèm với đó là các giải pháp chiến lược cho nhiệm vụ xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Một trong những giải pháp hàng đầu là: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên...

Cũng trong nhiệm kỳ này, Đảng ta xác định tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hóa, văn nghệ. Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường...

Khơi nguồn lực thúc đẩy văn hóa phát triển

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ mới, Đảng ta còn nêu nhiều giải pháp nhằm khơi thông các nguồn lực văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh cho mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Đó là, khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới...

Rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5-10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế...

Để những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng về văn hóa được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và toàn diện, lan tỏa trong xã hội, ngày 24-11 sẽ diễn ra Hội nghị Văn hóa, do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì, chỉ đạo dưới hình thức trực tuyến toàn quốc. Sự kiện được các nhà nghiên cứu văn hóa, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá có ý nghĩa như một “hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, nhằm nhìn nhận việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Hội nghị sẽ rút ra những bài học thành công, cũng như nhìn thẳng vào các khuyết điểm, yếu kém; đồng thời đưa ra những quan điểm, chủ trương mới về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị còn là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một "mặt trận" để đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là dịp để toàn ngành Văn hóa nhận thức sâu sắc hơn nữa quan điểm, đường lối của Đảng về lĩnh vực văn hóa, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và đặc biệt là những thành tựu qua 35 năm đổi mới; thấy được những hạn chế, bất cập, khuyết điểm để từ đó lĩnh hội, quán triệt những điểm mới mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra cho vấn đề văn hóa và con người. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình hành động một cách sát - trúng nhất, tập trung xây dựng văn hóa đúng với tinh thần là nền tảng tinh thần, "sức mạnh mềm" của quốc gia, dân tộc.

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên