Phản biện xã hội về các chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Đời sống - Ngày đăng : 12:25, 22/11/2021
Theo dự thảo, đối tượng thụ hưởng là thành viên thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, cận nghèo mà trong hộ không có người trong độ tuổi lao động hoặc không có người còn khả năng lao động thuộc diện: Người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo; thành viên thuộc hộ gia đình nghèo sau khi được công nhận thoát nghèo trở thành hộ cận nghèo hoặc thoát nghèo vượt qua mức chuẩn cận nghèo; người khuyết tật nặng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ.
Theo đó, hỗ trợ hằng tháng cho trẻ em dưới 13 tuổi; người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo. Các đối tượng này là thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo mà trong hộ không có người trong độ tuổi lao động hoặc không có người còn khả năng lao động.
Cụ thể, mức hỗ trợ: Khu vực thành thị là 2,5 triệu đồng/người/tháng; khu vực nông thôn 2 triệu đồng/người/tháng. Hỗ trợ 440.000 đồng/người/tháng cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ. Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho thành viên hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trong thời gian 36 tháng kể từ thời điểm thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Hỗ trợ học phí và hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/học sinh/tháng cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông là thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo; hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông là thành viên hộ gia đình nghèo được công nhận thoát nghèo trở thành hộ cận nghèo. Thời gian hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học, tối đa không quá 3 năm học sau khi hộ gia đình thoát nghèo…
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao tính nhân văn của nghị quyết và cơ bản đồng tình với dự thảo; đồng thời, khẳng định các chính sách đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân; phù hợp với quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2020-2025.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chức năng cần căn cứ vào khả năng kinh tế của thành phố và dựa trên thống kê chính xác của các ngành để điều chỉnh đối tượng, mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Một số ý kiến đề nghị, quy định thời gian cụ thể khi áp dụng nghị quyết này; cần bổ sung đối tượng hưởng chính sách là những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hộ chưa có hộ khẩu ở Hà Nội; kiến nghị thành phố nên xem xét hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo có bệnh hiểm nghèo...
Một số đại biểu kiến nghị nâng mức hỗ trợ học phí lên 200.000 đồng/cháu/tháng. Việc hỗ trợ phải hướng đến phương châm “cho cần câu hơn cho con cá” để hộ nghèo, hộ cận nghèo có động lực phấn đấu vươn lên. Trong quá trình triển khai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố cần giám sát chặt chẽ từ cơ sở để tránh sai sót…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị cơ quan soạn thảo nghị quyết nghiên cứu kỹ thêm để có căn cứ pháp lý, bảo đảm khi trình HĐND thành phố không để sót đối tượng, không làm khó cơ sở khi triển khai thực hiện. Việc rà soát, đánh giá, phân tích, tổng hợp số liệu về hộ nghèo cần làm thực chất, không chạy theo thành tích để có sự quan tâm đúng đối tượng và bảo đảm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của thành phố.
Sau khảo sát ở cơ sở và hội nghị phản biện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố mong HĐND thành phố sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo để kỳ họp tới nghị quyết được thông qua nhằm đáp ứng sự mong đợi của nhân dân và các đối tượng được thụ hưởng chính sách.