Ngăn ngừa vi rút “sợ trách nhiệm”

Xây & Chống - Ngày đăng : 06:24, 22/11/2021

(HNM) - 1. Thời gian qua, một vấn đề nổi lên được nhiều người quan tâm là có loại “dịch bệnh” âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp, gây nguy cơ cho sự phát triển đất nước. Đó là vi rút “sợ trách nhiệm”.

Trách nhiệm được hiểu là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình; hay được hiểu là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm làm đúng, nếu làm sai thì phải chịu hậu quả… Nhưng vấn đề là có những người khi thực thi nhiệm vụ được giao, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để bảo đảm “an toàn” cho bản thân.

Trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, sau khi một số cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và một số địa phương bị xử lý hình sự do cố ý làm sai trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, có tình trạng nhiều địa phương sợ mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ bị kỷ luật. Thay vào đó, nhiều nơi trông chờ, vận dụng bằng cách kêu gọi tài trợ của doanh nghiệp, trong khi không phải địa phương nào cũng có doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ. Khi dịch bệnh vẫn hoành hành thì thứ vi rút “sợ tránh nhiệm” này có thể dẫn đến những hệ quả khó lường.

Không chỉ vậy, “căn bệnh” này còn xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức. Đó là tình trạng nhiều việc thuộc thẩm quyền của cá nhân, địa phương, đơn vị mình nhưng cũng “đá” lên cấp trên để…  “xin ý kiến chỉ đạo”.

Từ năm 2015, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng đã cảnh báo việc cán bộ, công chức, viên chức ngày càng… sợ trách nhiệm. Vì thế không dám đề xuất, không dám sáng tạo áp dụng cái mới, hoặc có đề xuất cái mới thì rất lòng vòng, xin phép khắp nơi. Vấn đề này cũng được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đó là biểu hiện sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả…

2. Cần thẳng thắn nhìn nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến vi rút “sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là vì những hạn chế, tồn tại về cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật.

Tình trạng “luật khung, luật ống”; sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật vẫn phổ biến. Quy định chung chung, hiểu theo nhiều cách khác nhau, thậm chí khó minh định đúng sai vẫn còn. Ví dụ, qua rà soát tại 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chính phủ xác định, hiện có đến 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định của Chính phủ, 20 quyết định của Thủ tướng, 153 thông tư... chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho đầu tư sản xuất kinh doanh...

Vì vậy, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chống cài cắm “lợi ích nhóm” khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Do đó, nhất định phải rà soát tổng thể để “bắt bệnh” chồng chéo, mâu thuẫn, chung chung của các quy định pháp luật hiện hành, cũng là một giải pháp góp phần chống căn bệnh “sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, xét cho cùng, hệ thống pháp luật dù hoàn thiện đến đâu cũng vẫn tồn tại những hạn chế. Ngay cả những nước có truyền thống xây dựng pháp luật hàng trăm năm vẫn phải thường xuyên đối mặt vấn đề này. Vì thế, song song với giải pháp nêu trên, giải pháp căn cơ lại nằm ở chính nơi phát tác “căn bệnh”, đó là tinh thần trách nhiệm của cán bộ, mức độ dấn thân, tấm lòng vì dân, vì nước đến đâu.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Chính trị (khóa XIII) vừa ban hành Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Theo đó, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp. Trường hợp cán bộ thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đây thực sự là một “liều thuốc” tốt để điều trị vi rút “sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên; là “cú huých” đối với tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo của đội ngũ công chức, viên chức.

Để Kết luận số 14-KL/TƯ đi vào cuộc sống, thực sự hiệu nghiệm đối với vi rút “sợ trách nhiệm”, có 2 vấn đề cần tập trung giải quyết, xin được cùng trao đổi:

Thứ nhất, tập thể phải là “bệ đỡ” cho tinh thần trách nhiệm của cá nhân người cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Ở đâu có cán bộ dám nghĩ, dám làm thì ở đó có tổ chức Đảng công bằng, khách quan để nhìn nhận, khuyến khích, đồng hành, bảo vệ hiện thực hóa những ý nghĩ, cách làm mới, khác biệt, khác lạ, vượt tầm... vì lợi ích chung. Đặc biệt, phải “chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm”.

Thứ hai, chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của Đảng cần sớm được chuyển hóa vào các quy định pháp luật để vừa khích lệ tinh thần trách nhiệm, cống hiến vì dân, vì nước, vừa ngăn chặn việc lợi dụng nhằm thu vén cá nhân, lợi ích nhóm.

Làm được điều này cũng góp phần xóa quan niệm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay.

Ngọc Miên