Sử dụng bãi sông có trách nhiệm - giảm rủi ro thiên tai

Công nghệ - Ngày đăng : 07:21, 24/11/2021

(HNM) - Đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Trong đó việc sử dụng bãi sông có trách nhiệm sẽ góp phần không nhỏ làm giảm rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương đang tồn tại tình trạng sử dụng bãi sông thiếu trách nhiệm, không chỉ đe dọa an toàn hệ thống đê điều mà còn gây mất an toàn cho chính công trình, nhà ở tại khu vực này...

Đoàn công tác Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra công tác quản lý, sử dụng bãi sông Hồng thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ.

Mặc dù, pháp luật về đê điều đã quy định rất rõ những hành vi được phép và không được phép xây dựng công trình, nhà ở trên bãi sông nhưng theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), thực tế, nhiều địa phương vẫn xảy ra vi phạm xây dựng công trình, nhà trên bãi sông... Điển hình, tại xã Việt Hùng (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) xảy ra tình trạng xây dựng trái phép nhà xưởng quy mô lớn trên bãi sông Ninh Cơ; ở thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) có công trình xây dựng trên bãi sông Văn Úc. Đặc biệt, nhiều địa phương thuộc các tỉnh: Hưng Yên, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội xảy ra tình trạng xây dựng công trình, nhà ở trên bãi sông Hồng...

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, việc xây dựng công trình, nhà ở trên bãi sông không chỉ vi phạm pháp luật đê điều mà còn làm co hẹp lòng dẫn, cản trở thoát lũ, gây nguy cơ vỡ đê, ảnh hưởng đến tính mạng hàng triệu người trong vùng đê bảo vệ, thiệt hại về kinh tế rất nặng nề. Không những vậy, lũ lớn cũng sẽ trực tiếp gây mất an toàn cho chính công trình, nhà ở trên khu vực bãi sông...

“Điều đáng nói, một số địa phương để xảy ra vi phạm lại báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét tháo gỡ, chấp thuận để công trình vi phạm được tồn tại và tiếp tục triển khai dự án...”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài thông tin.

Theo ông Trần Quang Hoài, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đê điều là do chính quyền và người dân một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ, cho rằng, khi xây dựng các hồ chứa thủy lợi lớn trên hệ thống sông phục vụ điều tiết lũ và phát điện thì vùng hạ du không còn lũ, dẫn đến tình trạng chủ quan, xem nhẹ vai trò hệ thống đê điều. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định...

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, bộ đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tổ chức quản lý, sử dụng bãi sông trên địa bàn bảo đảm tuân thủ pháp luật về đê điều; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định...

Liên quan vấn đề trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo các tỉnh, thành phố có đê kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền, đúng quy định. Các địa phương khẩn trương lập nội dung phương án phát triển hệ thống đê điều, phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong quy hoạch theo Luật Đê điều...

“Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã về quản lý, sử dụng bãi sông bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai...”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.

Thực tiễn cho thấy, việc quản lý, sử dụng bãi sông có trách nhiệm không chỉ tuân thủ Luật Đê điều mà còn là giải pháp quan trọng bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, nhất là trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường.

Kim Nhuệ