Sẽ đánh giá cấp độ dịch dựa trên tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:56, 25/11/2021
Đánh giá cấp độ dịch tới từng cụm dân cư, khu phố…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, từ ngày 27-4, làn sóng dịch thứ tư đã bùng phát tại nước ta, sau đó lan rộng ra các địa phương với số ca mắc và tử vong lớn chưa từng có. Trong thời gian này, công tác thu dung, điều trị đã có nhiều nỗ lực. Việt Nam đã có nhiều thay đổi về hướng dẫn điều trị bệnh nhân Covid-19 để thích ứng với sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2. Đến ngày 30-9, sau hơn 5 tháng chống dịch quyết liệt, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19.
“Về cơ bản, qua đợt dịch thứ tư, chúng ta đã đưa ra được nhiều gói thuốc điều trị hiệu quả đối với bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, xây dựng gói thuốc điều trị thông thường cho bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ như: Hạ nhiệt, ho, thuốc bổ nâng đỡ sức khỏe, gói thuốc kháng viên - kháng đông, sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ trực tuyến”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Đặc biệt, nước ta cũng đã áp dụng thí điểm thuốc Molnupiravir điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các địa phương; đã sử dụng được hơn 250.000 liều với kết quả khả quan. Đánh giá ban đầu cho thấy, thuốc Molnupiravir làm tăng tỷ lệ bệnh nhân âm tính sau 5 ngày điều trị từ 72% lên 93%; giảm tỷ lệ tử vong lên đến 50% so với nhóm không sử dụng Molnupiravir.
Ngoài ra, các thuốc điều trị khác đối với điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng cũng được sử dụng... đã đem lại thành công ban đầu. Từ ngày 1-10, Việt Nam trở về tình trạng thích ứng linh hoạt với giai đoạn đầu có nhiều khả quan như: Tỷ lệ mắc Covid-19 giảm ở nhiều địa phương, tỷ lệ tử vong giảm có lúc xuống dưới 3 con số, có lúc khoảng 57-58 ca/ngày trên toàn quốc.
Theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Y tế đưa ra 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, đó là tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin; bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, cuối tháng 11 này sẽ có một số điều chỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế đang giao cho Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với một số cục, vụ để xây dựng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19.
Dự kiến, đến ngày 30-11, về cơ bản nước ta sẽ hoàn thành tiêu chí về vắc xin, sớm đạt miễn dịch cộng đồng với hơn 75% người trên 18 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin, kể cả đối tượng trên 65 tuổi.
Ngoài ra, thay vì đánh giá số liệu 100.000 ca Covid-19 mắc mới mỗi tuần như hiện nay, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, chúng ta sẽ tập trung vào việc giảm ca nhập viện, giảm bệnh nhân nặng, tử vong và lấy đó làm chỉ tiêu đánh giá cấp độ dịch.
“Hiện chúng ta khuyến khích người dân tự phát hiện mắc Covid-19 và thông báo cho cơ quan y tế. Khi có triệu chứng thì đến bệnh viện điều trị. Xu hướng hiện nay là tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong đối với các địa phương. Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch (4 cấp độ) càng chia nhỏ càng tốt, đánh giá tới từng cụm dân cư, từng khu phố... Khi đó, chúng ta sẽ có các biện pháp ngăn chặn dịch hiệu quả hơn mà không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, sinh hoạt của địa phương trên diện rộng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Phải sẵn sàng các điều kiện đón làn sóng dịch mới
Đến nay, Việt Nam đã có hơn 1,1 triệu ca mắc Covid-19, với hơn 24.000 ca tử vong. Còn hơn 78.000 bệnh nhân đang điều trị, trong số này có khoảng 4.000 ca nặng phải thở ô xy, thở máy. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%, trong đó, tử vong chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh (gần 73%), Bình Dương (gần 11%), Đồng Nai (khoảng 3%), Long An (2,4%), Tiền Giang (2%)…
Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn hết sức phức tạp. Việt Nam đã vượt qua giai đoạn gay cấn nhất của làn sóng dịch lần thứ tư nhưng vẫn phải chuẩn bị các điều kiện để đón các làn sóng dịch Covid-19 mới, không được lơ là, chủ quan.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, cần phải tập trung 3 trụ cột trong chống dịch Covid-19 hiện nay, đó là, tập trung vào công tác cách ly, xét nghiệm, thu dung điều trị. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là giảm tỷ lệ tử vong. Để làm được điều đó, việc cần làm đầu tiên là tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế ở tuyến cơ sở nhanh nhất. Tiếp đến là sử dụng các loại thuốc đúng chỉ định một cách sớm nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, cùng với sử dụng thuốc Molnupiravir, ngày 25-11, sẽ có thêm 1 triệu liều thuốc kháng vi rút Avigan điều trị Covid-19 từ Nhật Bản về Việt Nam. Lô thuốc này được phân bổ cho các địa phương, cấp cho điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.