Công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội: Phát triển sát thực tế hơn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 25/11/2021
Nhiều khó khăn, thách thức
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Là đơn vị sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí và thương mại BPV Việt Nam (Cụm công nghiệp Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm) Đỗ Quang Vinh cho biết, riêng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chi phí của công ty tăng thêm khoảng 1 tỷ đồng. Cùng với đó, chuỗi cung ứng linh kiện, thiết bị đứt gãy, gây khó khăn cho sản xuất. Tương tự, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Quang thông tin, nhu cầu của thị trường giảm buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất năm 2021, chưa kể khó khăn về dòng tiền, tiếp cận vốn vay ngân hàng…
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA), gần 90% số doanh nghiệp thuộc HANSIBA đã bị giảm doanh số; 50% số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng; một số doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sản xuất. Phó Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Vân cho biết, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi sản xuất cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, như: Samsung, Canon, Toyota, Ford… Đại diện Công ty cổ phần TOMECO An Khang (huyện Quốc Oai) cho biết, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ, quá trình triển khai những dự án mới của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, dịch Covid-19 đã làm lộ rõ hơn những điểm yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ. Đó là nội lực sản xuất hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được các yếu tố đầu vào của sản xuất. Do phải nhập nguyên liệu nên giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa đạt thấp.
Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những hạn chế về nguồn lực. Ví dụ, vẫn còn thiếu các chính sách phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên như điện tử, cơ khí, dệt may, da giày… nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Một số chính sách tuy đã được ban hành, nhưng vẫn chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thúc đẩy phát triển 3 lĩnh vực chủ chốt
Đồng hành với các doanh nghiệp, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thành lập các đoàn công tác tìm hiểu, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, Hà Nội đã và đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư..., đồng thời kiến nghị với Chính phủ cho phép ban hành những chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc “Thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2021”, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư… giúp doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Theo đó, thành phố tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế của Hà Nội, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của Thủ đô và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày. Năm 2021, trong 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, khoảng 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng trên 11%...
Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng cho biết, thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ tăng cường các hoạt động nội khối, cùng nhau sản xuất - cùng nhau cung ứng - hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dân sinh, đa dạng trong nhiều lĩnh vực và trọng tâm là ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ mới sử dụng năng lượng thân thiện môi trường với mục tiêu tham gia liên kết sản xuất tại chuỗi các khu công nghiệp chuyên sâu ngành công nghiệp hỗ trợ thế hệ mới do Tập đoàn N&G - đơn vị sáng lập HANSIBA phát triển tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Ngoài ra, HANSIBA sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trong đó tập trung vào hạ tầng đất đai - nhà xưởng, thuế, kết nối tiếp nhận công nghệ mới và chuỗi sản xuất toàn cầu; tiếp tục gắn kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, giảm thiểu nhập khẩu linh kiện, đồng thời hỗ trợ tìm nguồn vốn ưu đãi, kết hợp đào tạo lao động chuyên sâu cho ngành công nghiệp hỗ trợ, để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung có thêm sức mạnh, phát triển hơn nữa trong thời gian tới.