Tạo động lực mới phát triển văn hóa dân tộc

Văn hóa - Ngày đăng : 07:01, 26/11/2021

(HNM) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội theo hình thức trực tuyến, được đảng viên và nhân dân rất quan tâm, hưởng ứng và đánh giá cao. Với 9 giải pháp trọng tâm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, dư luận kỳ vọng, từ hội nghị này sẽ tạo động lực mới trên con đường phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đảng viên Đoàn Văn Oánh, 55 năm tuổi Đảng, Chi bộ 8B, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ):
Hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Do vậy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Những ý kiến tâm huyết tại hội nghị là cơ sở để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đảng viên Nguyễn Đình Dũng, 45 năm tuổi Đảng, Chi bộ tổ dân phố 14, phường Quang Trung (quận Hà Đông):
Cổ vũ nhân dân phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, kết tinh quá trình lao động sáng tạo, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, mang đậm tâm hồn, cốt cách dân tộc, thể hiện sâu sắc trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên và xã hội. Chính nhờ một nền văn hóa thấm đẫm bản sắc dân tộc làm bệ đỡ, đất nước ta đã vượt qua được mọi thử thách cam go, không ngừng tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc được truyền trực tiếp tới các điểm cầu của các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm động viên, cổ vũ nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Hy vọng văn hóa Việt Nam sẽ có bước phát triển, tiến bộ và hiệu quả cao hơn nữa.

Đảng viên Trịnh Đình Phùng, 40 năm tuổi Đảng, Chi bộ thôn Nhuế, xã Kim Chung (huyện Đông Anh):
Khơi dậy khát vọng cống hiến để văn hóa bước sang thời kỳ phát triển mới

Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức là một việc rất có ý nghĩa về nhiều phương diện. Từ hội nghị này, tôi tin tưởng sẽ khơi dậy khát vọng cống hiến của cả dân tộc để văn hóa bước sang thời kỳ phát triển mới. Những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo về văn hóa của Đảng trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã tạo ra luồng sinh khí mới để tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân cùng phát huy vai trò, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng tôi rất phấn khởi và hy vọng Việt Nam sẽ phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc cho phát triển bền vững đất nước.

Ông Trương Tuấn Kiệt, chung cư CT 12B, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai):
Quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt Nam ra thế giới

Trong những năm qua, Đảng đã nhận thức rõ vai trò to lớn của các tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức, đặc biệt là yêu cầu cấp bách của việc vận động, tổ chức, định hướng và lãnh đạo để tầng lớp tinh hoa này đem tài năng, trí tuệ và nhiệt huyết phục vụ nhân dân, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Ở giai đoạn hiện nay, theo tôi, việc cần làm là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, tăng cường khả năng tiếp cận văn hóa của người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và giai tầng xã hội... Đặc biệt, cần xây dựng và quản lý tốt thị trường văn hóa, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế và quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Bà Nguyễn Hải Yến, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy):
Tạo dấu ấn riêng, đậm nét trong dòng chảy văn hóa

Theo tôi, để xây dựng và củng cố “nền móng” văn hóa Việt, việc cần làm là tập trung hoàn thiện thể chế văn hóa, bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Song song là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống; phát huy ngày càng cao vai trò của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó, đưa nền văn hóa Việt ngày càng vươn xa, tạo dấu ấn riêng, đậm nét trong dòng chảy văn hóa chung của nhân loại.

Nhóm phóng viên