Bảo vệ “lá phổi xanh” của Thủ đô
Công nghệ - Ngày đăng : 07:48, 27/11/2021
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng
Hà Nội có 27.162ha rừng và đất lâm nghiệp được phân bố ở 7 huyện, thị xã là: Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Rừng của Hà Nội chủ yếu là rừng trồng, cơ cấu loài cây gồm: Thông, keo, bạch đàn… Đặc biệt, rừng của Hà Nội có thảm thực bì dày, khô nỏ lại gắn liền với các công trình văn hóa lịch sử, thường là nơi tổ chức lễ hội và xen kẽ trong các khu dân cư nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Thực tế, tại huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2021 đến nay đã để xảy ra 8 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 11,83ha. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ và diện tích rừng bị cháy có giảm nhưng chưa bền vững. Phân tích về nguyên nhân xảy ra cháy rừng, ông Ngô Xuân Thanh, Đội cơ động phòng cháy, chữa cháy rừng (Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Hà Nội) cho rằng, phần lớn do tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống cháy rừng của người dân địa phương và khách du lịch. “Vào mùa hanh khô, dù đã được cảnh báo cháy rừng nhưng nhiều người, nhất là khách du lịch vẫn mang nguồn lửa hay đốt lửa gần các khu rừng gây cháy”, ông Ngô Xuân Thanh nói.
Còn ông Dương Thiết Xây - người được Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Hà Nội giao quản lý 30ha rừng tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) cho rằng, rừng ở Sóc Sơn có độ che phủ cao, thảm thực bì dày nên vào mùa hanh khô dễ bị cháy. Trong khi đó, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn thô sơ và thiếu so với yêu cầu.
Không riêng với Sóc Sơn, cháy rừng cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác, như: Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai… Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, từ đầu năm đến tháng 11-2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 18 vụ cháy rừng (chủ yếu cháy thực bì dưới tán rừng), tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng ở Hà Nội là do một số người dân, du khách thiếu ý thức sử dụng lửa trong rừng bất cẩn gây cháy...
"Cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà đáng nói hơn, rừng trồng phải mất từ 6 đến 10 năm mới phủ xanh trở lại; thậm chí đối với rừng thông nhiều năm tuổi phải mất 20-30 năm mới khôi phục được môi trường rừng. Còn thiệt hại về môi trường thì khó có thể đong đếm", Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên nhấn mạnh.
Thực hiện tốt biện pháp “bốn tại chỗ”
Ðể giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2021-2022. Đặc biệt, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương có rừng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ rừng.
Theo đó, khi bước vào mùa hanh khô, các huyện, thị xã có rừng chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng: Kiện toàn Ban Chỉ huy và tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã có rừng; kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị chữa cháy rừng bảo đảm hoạt động hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng cháy, chữa cháy rừng... Bên cạnh đó, các địa phương chủ động triển khai phương án phối hợp phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các lực lượng kiểm lâm địa bàn, đơn vị quân đội, công an, đồng thời tập trung hướng dẫn các chủ rừng thực hiện chữa cháy tại cơ sở theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, hằng năm, huyện Sóc Sơn đều tổ chức 8-10 đợt tuyên truyền lưu động, lắp đặt 250 banner tại các “điểm nóng” cháy rừng và phát 4.000 tờ rơi cho các chủ hộ nhận giao khoán rừng có nội dung tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Huyện cũng đề nghị 11 xã, thị trấn trọng điểm về cháy rừng trên địa bàn thực hiện nghiêm chế độ trực ban. Tổ chức tốt công tác cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng và duy trì lực lượng canh gác, phát hiện sớm lửa rừng trong suốt mùa khô…
Ở góc độ cơ sở, Chủ tịch UBND xã Phú Mãn (Quốc Oai) Đinh Ngọc Sơn khẳng định, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ” là rất quan trọng. Đây là lực lượng tiếp cận đám cháy sớm nhất nên hiệu quả chữa cháy rất cao. Do vậy, thành phố cần tăng cường trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng tại chỗ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đạt hiệu quả, nhất là trong mùa hanh khô, thành phố Hà Nội đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở với nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã có rừng, chủ rừng, lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác tuần tra khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy rừng; phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó khi có sự cố cháy rừng xảy ra.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, 11 tháng năm 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 18 vụ cháy rừng (chủ yếu cháy thực bì dưới tán rừng), tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng ở Hà Nội là do một số người dân, du khách thiếu ý thức sử dụng lửa trong rừng bất cẩn gây cháy...