Ngành Nông nghiệp tăng tốc sản xuất

Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:25, 27/11/2021

(HNMO) - Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Hà Nội vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội yêu cầu các địa phương có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tăng tốc sản xuất; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi...

Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) đẩy mạnh chăn nuôi và sơ chế thịt lợn phục vụ thị trường.

Tăng nguồn cung cho thị trường

Những ngày này, nông dân trên địa bàn Hà Nội đang tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Còn các cơ sở giết mổ, chế biến nông sản, thực phẩm hoạt động hết công suất bảo đảm đơn hàng cho nhà cung cấp. Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, 250 ha rau vụ đông trồng các loại rau như: Su hào, bắp cải, cà chua... đang sinh trưởng, phát triển tốt. Thu hoạch đến đâu, hợp tác xã trồng gối vụ đến đó, mỗi ngày đưa ra thị trường 30-50 tấn rau xanh các loại. Trong đó, 70% cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, còn lại tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố.

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) thông tin, hợp tác xã đang nuôi 500 lợn nái, 5.000 lợn thịt, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn thịt lợn và 5 tấn sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Dự kiến trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, hợp tác xã có thể cung cấp 100-150 tấn thịt cho người tiêu dùng Thủ đô.

Không chỉ các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội cũng đang tập trung ký kết hợp đồng với hợp tác xã, trang trại để chuẩn bị nguồn cung cho thị trường cuối năm. Theo ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín), lò giết mổ của công ty đang hoạt động với công suất 100 con/ngày, trung bình mỗi ngày cung cấp hơn 10 tấn thịt lợn cho thị trường và các tháng cuối năm có thể tăng thêm 20-30%.

Về năng lực sản xuất của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, trong các tháng cuối năm, Hà Nội cơ bản có thể bảo đảm được nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô. Cụ thể, sản lượng thu hoạch vụ mùa 2021 ước đạt khoảng 265.000 tấn gạo. Mỗi ngày, thành phố cung ứng được 1.400 - 1.500 tấn rau, củ các loại cho tiêu dùng. Sở NN&PTNT đang hướng dẫn các địa phương trồng thêm 1.000 ha chuối, bưởi, ổi... (diện tích đang có là 12.347ha).

Đồng thời, Hà Nội sẽ duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi trâu, bò 27.000 con; lợn 1,6 triệu con trở lên; gia cầm 40 triệu con, phát triển thêm 600ha nuôi trồng thủy sản (lên 24.000 ha). Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát, nên chưa có thiệt hại lớn trong quá trình sản xuất.

Tập trung hỗ trợ sản xuất

Nông dân huyện Gia Lâm tập trung sản xuất rau vụ đông phục vụ thị trường cuối năm.

Ngành Nông nghiệp dự báo, từ nay đến cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi rất lớn, do vậy, các địa phương cần khuyến cáo nông dân sản xuất theo hướng an toàn.

Ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, cho biết, để giữ đà tăng trưởng cho ngành Nông nghiệp năm 2021 đạt mức 4-4,5% và bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong các tháng cuối năm, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo sản xuất, chăm sóc cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức về sản xuất an toàn và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân mở rộng diện tích gieo trồng ngô, đậu tương, khoai tây… làm thực phẩm cho người và nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi; đồng thời, bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ phù hợp để không ảnh hưởng đến sản xuất vụ xuân 2022.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trong việc liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân. Mặt khác là đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất; chủ động tiêu thụ sản phẩm, phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ tiêu thụ nông sản.

“Cùng với điều chỉnh tăng thêm diện tích sản xuất, các huyện cũng có thêm chính sách hỗ trợ nông dân như: Hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ một phần chi phí giống, phân bón để nâng cao khả năng thâm canh cũng như đầu tư chăm sóc cây trồng, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm…”, ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm.

Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước và xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị cũng như yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, tính toán sản lượng hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (từ nay đến hết quý I-2022), tính toán kỹ cung - cầu để lên phương án sản xuất cụ thể; đồng thời, sẵn sàng các phương án, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ có những chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các doanh nghiệp; giảm thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu đầu vào để hạ giá thành sản xuất...

Ngọc Quỳnh