Tạo đột phá trong công tác đánh giá cán bộ

Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 28/11/2021

(HNM) - Từ ngày 1-1-2022, Hà Nội sẽ đánh giá cán bộ hằng tháng bằng phần mềm công khai toàn thành phố. Với 5 nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng, quy định mới được ban hành sẽ tạo bước đột phá trong công tác đánh giá cán bộ hằng tháng, hằng năm, bảo đảm đúng người, đúng việc, sát thực. Đây là khẳng định của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế

- Ngày 28-10-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Quyết định số 1841-QĐ/TU về việc ban hành “Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” (Quyết định 1841), thay thế Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” (Quyết định 3814). Là người chủ trì tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về nội dung quan trọng này, đồng chí có thể chia sẻ lý do về sự điều chỉnh?

- Quyết định 3814 được áp dụng từ ngày 1-7-2018, đến nay đã thực hiện được hơn 3 năm. Kết quả cho thấy, Quyết định 3814 là bước đột phá trong công tác đánh giá cán bộ của Hà Nội, giúp khắc phục tình trạng hình thức, cào bằng, góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ; được Trung ương lấy làm mẫu và dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Cái được là rất nhiều, nhưng quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Ví dụ như chưa thống nhất trong việc đánh giá gắn với xây dựng kế hoạch; quy định về thẩm quyền đánh giá cũng chưa đầy đủ; chỉ tiêu, thủ tục đánh giá chưa đồng bộ; chế độ khen thưởng sau đánh giá chưa thống nhất; chưa theo dõi quản lý đồng bộ qua phần mềm.

Từ 5 vấn đề trên, chúng tôi đã báo cáo, đề xuất và được Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất cao, chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Quyết định 3814.

- Trong các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này, những vấn đề chung như mục đích, yêu cầu và phạm vi điều chỉnh có gì khác so với quy định cũ, thưa đồng chí?

- Quyết định 1841 kế thừa cơ bản Quyết định 3814, nhưng có thêm những nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục 5 tồn tại trong thực hiện Quyết định 3814 như đã nói ở trên.

Trong đó, quy định bổ sung yêu cầu đánh giá cán bộ là phải thực hiện đồng bộ từ khâu xây dựng kế hoạch. Đây là nội dung quan trọng nhất vì cốt lõi của đánh giá cán bộ là phải gắn với kế hoạch hằng tháng, hằng tuần, hằng ngày; trên cơ sở đó có thang điểm để đánh giá. 

Về phạm vi điều chỉnh, quy định mới bổ sung nội dung khuyến khích thực hiện đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn; cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hiệp quản; các đảng bộ trực thuộc Thành ủy nhưng có chính quyền thuộc ngành dọc.

- Để việc thực hiện quy định mới được thuận lợi, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đã chủ trì dày công nghiên cứu, xây dựng các biểu mẫu với những đặc thù cơ quan, đơn vị khác nhau. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

- Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ việc áp dụng trong từng lĩnh vực, ngành nghề, địa phương. Quyết định 1841 có 19 biểu mẫu đánh giá thống nhất cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố. Quy định mới cũng đã được điều chỉnh 2 bảng điểm với các tiêu chí cụ thể hơn…

- Vừa qua, nhiều nơi phản ánh còn lúng túng trong việc xếp loại những trường hợp đau ốm, thai sản hoặc thời gian làm việc chưa đạt trên 50% số ngày làm việc của tháng; về thẩm quyền đánh giá. Quy định mới đã giải quyết những vấn đề này chưa, thưa đồng chí?

- Quy định mới đã bổ sung một nguyên tắc đánh giá là: “Đối với cán bộ, công chức, viên chức vì lý do đau ốm, nghỉ phép, nghỉ thai sản, được cử đi đào tạo, bồi dưỡng (không tập trung) mà thời gian làm việc thực tế trong tháng chưa đạt trên 50% số ngày làm việc của tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại từ “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; trường hợp xếp loại ở mức khác do lãnh đạo có thẩm quyền đánh giá quyết định”. Với nguyên tắc này, tôi tin là các vấn đề còn lúng túng đã được tháo gỡ.

Ngoài ra, quy định tỷ lệ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trước đây là 30% (tối đa 40%) chưa đồng bộ, thống nhất với các quy định của Đảng và Nhà nước về tỷ lệ đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Nay thống nhất điều chỉnh tỷ lệ cán bộ được đánh giá, xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% tổng số cán bộ, công chức, viên chức được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Thẩm quyền đánh giá cũng là một trong 5 tồn tại của Quyết định 3814, nay đã được khắc phục trên nguyên tắc cấp nào, người nào trực tiếp lãnh đạo, giao việc thì đồng thời thực hiện nhận xét, đánh giá, xếp loại và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nội dung này trong Quyết định 1841 đã được làm mới, quy định rõ ràng, cụ thể và chia thành 6 nhóm.

“Số hóa” quy trình, kiểm tra, giám sát

- Chúng ta đang trong xu thế chuyển đổi số, vậy việc thực hiện đánh giá cán bộ theo Quyết định 1841 có được đổi mới theo hướng này hay không, thưa đồng chí?

- Về quy trình đánh giá, Điều 9 Quyết định 1841 đã quy định rất rõ. Trong đó, có 2 vấn đề cần quan tâm sẽ trả lời cho câu hỏi trên.

Thứ nhất, là việc sử dụng phần mềm. Chúng tôi đang khẩn trương chuẩn bị để từ ngày 1-1-2022, hệ thống phần mềm đánh giá cán bộ toàn thành phố bắt đầu hoạt động. Việc áp dụng đánh giá hằng tháng thông qua phần mềm sẽ giúp bảo đảm tính chính xác, kịp thời và không bỏ sót; công khai, minh bạch...

Thứ hai, bắt buộc tất cả các đơn vị trong phạm vi điều chỉnh của quy định này phải đánh giá cán bộ hằng tháng và bằng phần mềm công khai. Đơn vị nào không thực hiện hệ thống sẽ tự động báo cáo. Tới đây, chúng tôi sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành quy định, quy chế hoạt động của phần mềm để bảo đảm tính pháp lý cao.

- Đánh giá phải đi liền với khen thưởng, kỷ luật mới đem lại hiệu quả. Trong đó, nói riêng về khen thưởng, vừa qua chưa có sự thống nhất. Đồng chí có thể cho biết, quy định mới có khắc phục được điều này?

- Trong quá trình xây dựng dự thảo Quyết định 1841, chúng tôi đã làm việc với Sở Tài chính về vấn đề này. Thực tế, Chương VI Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Thi đua, khen thưởng đã quy định rất rõ về việc chi khen thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng vừa qua, một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện đúng nên trong Quyết định 1841 đã làm rõ vấn đề này trên tinh thần xác định đây là quyền lợi của người lao động. Việc tổ chức phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất về nội dung và mức khen thưởng của cơ quan, đơn vị.

- Đồng chí kỳ vọng như thế nào về hiệu quả của Quyết định 1841?

- Việc hoàn chỉnh quy định về đánh giá cán bộ hằng tháng lần này có thể làm cơ sở để thực hiện các khâu khác của công tác cán bộ như: Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, đề bạt, bổ nhiệm, bảo đảm đúng người, đúng việc, sát thực. Hy vọng các cấp, các ngành, đơn vị hiệp quản nghiên cứu kỹ, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung này.

Đây cũng là tâm huyết, quyết tâm chính trị của Thành ủy Hà Nội nên chúng tôi tin khi được đưa vào thực hiện, Quyết định 1841 sẽ tạo xung lực mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hà Vũ