Cần đầu tư phát triển văn hóa xứng với tiềm năng
Văn hóa - Ngày đăng : 07:27, 29/11/2021
Nhiều chỉ tiêu chưa hoàn thành
Theo Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, qua 9 năm thực hiện Nghị quyết số11/2012/NQ-HĐND, lĩnh vực văn hóa của Thủ đô đang phát triển theo đúng định hướng. Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã quan tâm đầu tư, bố trí gần 17.000 tỷ đồng cho công tác phát triển văn hóa. Từ năm 2013 đến nay, có 10 dự án lớn (1 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang triển khai) với số vốn khoảng 700 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hóa. Các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ đông đảo đời sống của nhân dân được quan tâm đầu tư.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND thành phố cũng nhận định, việc thực hiện nghị quyết ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa đồng bộ, nhiều lúng túng. Đáng nói, nhiều chỉ tiêu, đề án, dự án thiếu tính khả thi nên không được hoàn thành hoặc bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Trong đó, có 6/20 chỉ tiêu không hoàn thành (số buổi biểu diễn chuyên nghiệp; sản xuất phim nhựa; phát triển rạp tại các huyện; thiết chế văn hóa cấp huyện, xã, tổ dân phố; sách thư viện; tủ sách phòng đọc xã); 5/23 đề án, 10/14 dự án chậm tiến độ.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho rằng, đầu tư nguồn lực phát triển văn hóa còn dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Tỷ lệ ngân sách thành phố đầu tư cho các thiết chế văn hóa trên địa bàn mới đạt 0,83% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố; nguồn lực chi thường xuyên bố trí cho lĩnh vực văn hóa chiếm 1,9% tổng chi thường xuyên ngân sách thành phố. Định mức chi cho hoạt động sự nghiệp văn hóa cấp thành phố là 13.000 đồng/người/năm, cấp huyện là 9.000 đồng/người/năm…
Đại biểu chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho biết, thành phố hiện mới có 136/579 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn (chiếm 23,5%), trong đó 4 huyện: Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa và 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông chưa có đủ nhà văn hóa cấp xã.
Ông Hoàng Đức Thụ (xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức) chia sẻ, nhà văn hóa xã là nơi để người dân tham gia các hoạt động văn hóa quy mô lớn hơn cấp thôn trong các dịp lễ, Tết, vì thế mong được thành phố, huyện quan tâm đầu tư để tăng địa điểm sinh hoạt, giao lưu văn hóa của người dân.
Những kiến nghị từ thực tiễn
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết, nguyên nhân của những hạn chế trên do cấp ủy, chính quyền một số cơ sở chưa thực sự quan tâm. Việc phối hợp triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao chưa chặt chẽ, chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc. Cùng với đó, nguồn ngân sách đầu tư cho các thiết chế văn hóa còn chưa đồng đều giữa các quận, huyện, thị xã; việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. “Việc bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa và thiết chế văn hóa còn bất cập, đặc biệt là khu vực 4 quận trung tâm, dẫn đến thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu nhiều”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, sau giám sát, Thường trực HĐND thành phố đã kiến nghị các cơ quan hữu quan nhiều nội dung. Trong đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô sau khi di chuyển trụ sở các đơn vị thuộc diện phải di dời khỏi nội đô sớm bàn giao quỹ đất để thành phố ưu tiên xây dựng hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa - thể thao đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Đối với UBND thành phố, Thường trực HĐND thành phố kiến nghị rà soát, đánh giá tổng thể kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thực hiện nội dung quy hoạch văn hóa cho giai đoạn 2021-2030 và định hướng cho những năm tiếp theo. Cùng với đó là bố trí quỹ đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao sang mục đích khác.
“Để phát triển lĩnh vực văn hóa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, Hà Nội cần tăng cường nguồn lực đầu tư, cân đối tỷ lệ vốn ngân sách phù hợp, đồng thời thu hút, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa cho phát triển văn hóa. Cùng với đó là ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở trọng điểm với những công trình văn hóa có tính biểu tượng, có công năng sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao tạo thành những không gian văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch Thủ đô”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.