Hà Nội: Nỗ lực cao nhất để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 18:48, 01/12/2021

(HNMO) - Thời gian qua, do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, một bộ phận không nhỏ người dân, người lao động ở Hà Nội bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Trong bối cảnh đó, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia các chính sách bảo hiểm. Để rõ hơn, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật xung quanh việc đưa các chính sách bảo hiểm vào đời sống.

Người dân tham gia chính sách bảo hiểm tại quận Hoàn Kiếm được bảo đảm các quyền lợi chính đáng.

- BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được ví như giá đỡ an sinh của người dân, người lao động khi không may gặp khó khăn, rủi ro. Hiện nay, các chính sách này đi vào đời sống thế nào, thưa ông?

- Với nhiều tính ưu việt, chính sách BHXH, BHYT, BHTN thu hút ngày càng nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội tham gia. Tính đến ngày 22-11-2021, Hà Nội có hơn 7,345 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 90,1% dân số, tăng gần 186.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 1,82 triệu người, bằng 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có hơn 1,756 triệu người tham gia BHTN, tăng gần 38.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Số người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên, hiện toàn thành phố có hơn 53.000 người có tên trong danh sách BHXH tự nguyện, tăng hơn 7.000 người so với cùng kỳ năm trước. Người tham gia các chính sách bảo hiểm được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi chính đáng. Nổi bật là, từ đầu năm 2021 đến ngày 22-11, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã đón tiếp, phục vụ hơn 7,5 triệu lượt bệnh nhân với chi phí khám, chữa bệnh lên tới hơn 13.425 tỷ đồng.

Chính sách BHTN trở thành điểm tựa an sinh của hàng triệu người lao động trong giai đoạn khó khăn.

- Ông có thể cho biết rõ hơn, việc triển khai gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng chưa có tiền lệ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN được các cơ quan chức năng thành phố triển khai ra sao?

- Nhằm đưa chính sách đến với người thụ hưởng, từ đầu tháng 10-2021, BHXH thành phố Hà Nội tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người lao động, người sử dụng lao động thấy rõ trách nhiệm trong quá trình lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Cùng với đó, toàn ngành ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin để có thể quản lý, xác minh đúng các trường hợp thụ hưởng.

Kết quả, đến nay, chính sách giảm đóng vào Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động đã đến với hơn 84.000 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, gồm hơn 1,4 triệu lao động. Số tiền giảm đóng cho các đơn vị sử dụng lao động trong 12 tháng (từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022) dự kiến là 1.177 tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, dự kiến Hà Nội có hơn 1,7 triệu người được thụ hưởng với số tiền hơn 4.300 tỷ đồng. Đến nay, toàn thành phố đã chi trả cho hơn 1,6 triệu người với số tiền gần 4.000 tỷ đồng, đạt khoảng 92% tổng số người ước đủ điều kiện hỗ trợ.

- Theo ông, nguyên nhân nào khiến một số lao động hiện chưa nhận được nguồn lực hỗ trợ?

- Số ít trường hợp chưa nhận được hỗ trợ là do người lao động có từ 2 sổ BHXH trở lên, nên các bên phải tính toán lại thời gian đóng BHTN làm căn cứ xác định mức hỗ trợ cho chính xác. Một số trường hợp khác đã có quyết định tạm ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng họ lại không hoàn tất thủ tục với cơ quan BHXH để xác định mốc thời gian bảo lưu, nên chưa thể tiến hành chi hỗ trợ. Thực tế cũng có những trường hợp chưa biết đến chính sách nhân văn này...

Nguyên nhân khác là do một số công ty, đơn vị sử dụng ít lao động đã thay đổi người phụ trách công tác nhân sự, BHXH, thậm chí không có người phụ trách, khiến cơ quan BHXH khó liên hệ để yêu cầu người sử dụng lao động làm hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ cho người lao động.

- BHXH thành phố Hà Nội đã làm gì để đưa các chính sách mang ý nghĩa tạo giá đỡ an sinh xã hội vào đời sống, thưa ông?

- Để mọi người lao động đủ điều kiện được tiếp cận với gói hỗ trợ an sinh từ Quỹ BHTN, BHXH thành phố Hà Nội đã có công văn đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động; đề nghị các địa phương trên địa bàn thành phố đẩy mạnh truyền thông đến từng thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động thuộc diện hỗ trợ nhanh chóng gửi ngay hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ. BHXH thành phố cũng đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn thông tin kịp thời đến các đơn vị, doanh nghiệp về mốc thời gian nhận hồ sơ. Sau ngày 30-11-2021, người lao động đang tham gia BHTN chưa nhận được hỗ trợ phải tự đi làm thủ tục.

Với trường hợp đã dừng tham gia, nhưng còn thời gian bảo lưu đóng BHTN, thời hạn cuối để cơ quan BHXH tiếp nhận đề nghị hỗ trợ là ngày 20-12-2021. Thời gian hoàn thành chi trả hỗ trợ chậm nhất vào ngày 31-12-2021.

Ngoài ra, BHXH Hà Nội phối hợp với cơ quan Công an cảnh báo người lao động đề phòng các tin nhắn có dấu hiệu lợi dụng chính sách hỗ trợ để lừa đảo; đồng thời, bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trong quá trình đề nghị hỗ trợ. Ngành BHXH cũng phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số, lập thẻ ATM tại ngân hàng để có thể nhận nguồn hỗ trợ thuận lợi hơn.

Cùng với việc tập trung triển khai gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng, toàn ngành chú trọng tuyên truyền, vận động nhằm thu hút người dân, người lao động tham gia các chính sách bảo hiểm, nhất là BHXH tự nguyện; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Phấn đấu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong năm 2021, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Hiền